Ba phương án thi tốt nghiệp chung 2015

line

"Cả ba phương án đều không sàng lọc kỹ được thí sinh"

     Việc đề ra 3 phương án thi tốt nghiệp chung năm 2015 khá bất ngờ cho các em học sinh

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố kỳ thi Quốc gia THPT năm 2015 tới đây sẽ được tổ chức chung với kỳ thi xét tuyển vào ĐH, CĐ trên cả nước. Với dự thảo 3 phương án đưa ra, Bộ hy vọng đây sẽ là kỳ thi có tác động tích cực đến việc đổi mới dạy và học, kiểm tra năng lực của học sinh trong suốt quá trình học của các em.

Trao đổi với Một Thế Giới, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ khẳng định: "Cả ba phương án trên đều có một nhược điểm là không sàng lọc được kỹ các thí sinh. Ngay cả phương án 2 như Bộ đánh giá cao nhất cũng có điểm yếu đó chính là sự chọn lọc của thí sinh khi bắt buộc thi ba môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Môn còn lại quá dễ cho học sinh thi theo khối lựa chọn, như vậy cũng sẽ làm tăng lên sự học tủ, học lệch."

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định việc thi phương án nào cũng phải đảm bảo đừng tạo gánh nặng cho học trò ở việc ra đề thi

Theo ông Trần Xuân Nhĩ việc Bộ GD-ĐT cần chú trọng nhất là phương pháp ra đề thi cho năm 2015 làm sao đừng quá nặng nề. Bên cạnh đó, đầu năm học mới này phải đổi mới phương thức dạy học cho cả trò và thầy. Nếu Bộ phân luồng được thí sinh ngay từ khi ở cấp học THCS thì việc đánh giá học sinh sẽ hoàn toàn phù hợp chứ không đột ngột như kỳ thi sắp tới.

"Tôi cho rằng năm 2015 chính là tiếng kêu cứu của các học sinh THPT, nhất là các em học sinh lớp 12 sinh năm 1997 lên Bộ GD-ĐT vì ngay đến cả việc đổi mới SGK còn loay hoay chưa tìm ra chương trình thì việc hội nhập, đổi mới không theo phương án cụ thể sẽ gây tốn kém. Nếu tốn kém mà hoàn thành được thì tốn mấy cũng phải làm, nhưng tốn kém mà không tạo được hiệu quả thì cũng thật sự lãng phí".Cùng với sự lo lắng của PGS Trần Xuân Nhĩ, PGS. TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Với ba phương án của Bộ GD-ĐT, tôi cho rằng vẫn nên duy trì việc thi các môn thi theo sở trường học sinh là phương án 1. Để có thể tiến hành một kỳ thi cấp quốc gia mới, cần phải đổi mới không chỉ ở kỳ thi mà còn cả ở SGK, phương pháp dạy học và cả thời gian để học sinh thích nghi, tránh sự bất an của phụ huynh và các em đang học cấp 3. Nếu thực hiện gấp phương án 2 và 3 thì tôi e rằng có khá nhiều học sinh hoang mang lo lắng, năng lực không phù hợp chỉ để đỗ... tốt nghiệp chứ đừng nói đến việc bước chân vào cổng trường Đại học.

Bên cạnh đó, trao đổi với Một Thế Giới, cô Nguyễn Thị Thu Hoài, hiện đang là giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: Thấy ba phương án của Bộ GD-ĐT đề ra có phương án 3 là có môn Giáo dục công dân mà tôi đang dạy.Dù vui vì đã đến lúc môn học này cần được chú trọng hơn, nhưng thật sự nghĩ nếu áp dụng luôn cho các em học sinh lớp 12 ở năm 2015 này thì việc này lại không phù hợp. Với phương án 2 thì vẫn là các môn thi tích hợp lại, nếu muốn thi đỗ các em vẫn phải học đều ở các môn và có kiến thức tổng hợp bao quát. Tôi cho rằng nếu thi phương án 2 và 3 ngay trong năm 2015 thì đã quá vội vàng nên tôi vẫn ưu tiên dùng phương án 1 của Bộ đề ra.

Cũng cùng sự chia sẻ, phụ huynh của em Phan Hà Anh (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: Thật sự nghĩ rằng trong cả ba phương án, phương án nào cũng đẩy học sinh vào sự bế tắc. Nếu áp dụng luôn thì chưa có sự chuẩn bị tốt, gây xáo trộn tâm lý của học sinh. Đổi mới toàn diện về giáo dục là rất tốt nhưng có sự chuẩn bị thì sẽ tốt hơn vì đỡ gây áp lực cho học sinh vì nhà trường và Hội đồng thi sẽ lúng túng trong cách tổ chức học, ôn thi và chấm thi. Nó sẽ tạo thành "lợi bất cập hại" trong lần thi này.

                                                 Việc đề ra 3 phương án thi tốt nghiệp chung năm 2015 khá bất ngờ cho các em học sinh.

Còn theo em Nguyễn Thu Trà (12 chuyên Văn trường Ams, Hà Nội), chúng em khá lo lắng cho kỳ thi sắp tới, mới đầu năm nghe Bộ GD-ĐT nói đổi mới bắt đầu từ năm 2016 nay lại đổi thành 2015 với các phương án thi hoàn toàn khác. Không biết năm tới đây chúng em thi tốt nghiệp đề thi thế nào chứ các môn học hầu như phải thi hết thì chúng em rất khó để ôn. Chưa kể đến gần như chúng em lại phải ôn lại các môn khác từ đầu. Em thấy khá lo lắng và sợ hãi cho kỳ thi tốt nghiệp năm sau.

Việc Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện đề án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung 2015 tới đây đã gây được sự chú ý của tất cả người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Nhưng nếu việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung này sẽ không mâu thuẫn với đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thì đó cũng là một điều cần bàn lại. Vì mấu chốt nhất, đích đến của phụ huynh học sinh cho em mình chính là cổng trường Đại học chứ không phải là chỉ thi qua kỳ thi tốt nghiệp.

 Theo bao motthegioi.vn

Góp ý
Các tin liên quan