Có rất ít trường gửi phương án tuyển sinh năm 2014

line

Theo quy định, ngày hôm nay (10/2) là hạn cuối cùng các trường trình phương án tuyển sinh của mình cho Bộ GD&ĐT theo nội dung của dự thảo được công bố trước đó

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, tính tới điểm hiện tại đã có 15 trường chuyển dự thảo đề án tuyển sinh riêng về Bộ GD&ĐT, trong đó có 12 trường công khai phương án để xin ý kiến dư luận. Đáng chú ý, đề án tuyển sinh riêng này lại nằm ở các trường đại học công lập lớn như: Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Đại học Đồng Tháp, các trường đang trong quá trình hoàn thiện đề án như: Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng đã có đề án gửi Bộ GD&ĐT như Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Thành Đông, phương án của các trường này cũng đang được xin ý kiến dư luận.

.thi-rieng-tuyen-sinh-nhieu-dot

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các đề án được xem rất đa dạng ở cả trường công và ngoài công lập. Phương án các trường có thể có thêm hình thức phỏng vấn, hình thức này để bổ sung chọn lọc được thí sinh có năng lực phù hợp. Đa số các trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng cục bộ cho một số ngành còn một số ngành khác tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT.

Như vậy, cho đến hạn cuối cùng nộp đề án tuyển sinh riêng mới chỉ có chưa tới 20 trường trên tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng là con số quá ít. Các trường đều "ngại" thay đổi hình thức thi vì dự thảo của Bộ trước đó đưa ra có khá nhiều yêu cầu chi li khiến các trường chọn cách làm an toàn hơn.

Trước đó, ngày 12/12/2013 Bộ GD&ĐT có đưa ra dự thảo công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Trong dự thảo có đề cập, Điều 34 Luật Giáo dục đại học có nêu: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học” và “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh”.

Xuất phát từ những căn cứ này, từ năm 2014 các trường đại học, cao đẳng sẽ được tự chủ trong tuyển sinh. Đây không còn là việc xin tuyển sinh riêng nữa mà các trường có nhiệm vụ thực hiện đúng như luật đã quy định.

Theo đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ được tự chủ tuyển sinh riêng từ năm 2014. Kèm với tự chủ tuyển sinh sẽ có 5 yêu cầu đối với các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng. Đi kèm với 5 yêu cầu này là nhiều nội dung nhỏ khác, điều khiến các trường rất “ngại” để được tự chủ như Luật cho phép.

Sau khi dự thảo này của Bộ GD&ĐT được đưa ra lấy ý kiến dư luận, đã có nhiều trường đại học, cao đẳng không muốn tự thay đổi hình thức thi vì có quá nhiều yêu cầu từ Bộ. Nói cách khác, Bộ cho các trường hay các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng các trường đều “né”.

Cũng theo dự thảo này, các trường nào chưa đủ điều kiện sẽ cùng với Bộ tiếp tục thi “ba chung” tới năm 2017. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cần phải có lộ trình để cho thí sinh làm quen với những điểm mới trong cách học và hơn nữa các trường có thời gian chuẩn bị. Do hệ thống giáo dục đại học rất đa dạng, nhiều ngành nghề, nếu chuyển ngay lập tức sang thi riêng thì xã hội sẽ xáo trộn, gây sốc cho thí sinh và phụ huynh.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT rất cần chấm dứt ngay thi “ba chung” trước năm 2017, chứ không thể đợi tới năm đó mới làm. Làm như vậy theo bà là phạm Luật giáo dục đại học.

Đánh giá về hình thức thi này, bà Bình cho biết, thi “ba chung” cũng có những ưu điểm của nó như các trường không phải làm đề, có chung điểm sàn xét tuyển…Tuy nhiên, đề thi “ba chung” thường khó, chính vì đó làm cách học của học sinh bị lệch, các em phải học thuộc với có khả năng thi được.

Cũng theo Luật Giáo dục đại học thì kỳ tuyển sinh 2013 đáng lẽ chúng ta phải thực hiện nhưng cũng đã trễ. Bộ cho rằng các trường chưa chuẩn bị được để bỏ “ba chung” nên kéo dài, vấn đề này Bộ cũng cần tính toán cho cụ thể. Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng cái đó không quan trọng, quan trọng phải chấm dứt ngay “ba chung”, để cho các trường tự chủ trong tuyển sinh của mình.

Về những yêu cầu quá chi tiết mà Bộ GD&ĐT công bố trong dự thảo tuyển sinh trước đó tới các trường, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên quy định quá chi tiết, theo kiểu cầm tay chỉ việc như vậy. Bộ đã quy định đầu vào như thế nào thì phải đặt ra tiêu cho đầu ra để đảm bảo chất lượng. Các trường đại học, cao đẳng khi được tự chủ, họ biết phải làm gì để tổ chức một kỳ thi thật tốt.

Trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi (dự kiến ngày 10/3/2014) tất cả các đề án tuyển sinh riêng phù hợp quy định sẽ được công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử của các trường, trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thí sinh theo dõi lựa chọn.

 Những điều cần biết cho công tác tuyển sinh năm nay sẽ được thông báo trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.

Theo giaoduc.net.vn

 
Góp ý