Công tác xã hội - Nghề triển vọng ở Việt Nam

line
Nghề Công tác xã hội (CTXH) đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại. Đặc biệt, nghề CTXH góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế. Tuy nhiên, CTXH là một nghề khá mới ở Việt Nam và chưa được nhiều người biết đến. Chúng tôi đã có buổi phỏng Tiến sỹ Luke, Chuyên gia tư vấn RTCCD về nhu cầu đào tạo và triển vọng phát triển nghề CTXH ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.  Bài viết này sẽ cung cấp thêm thông tin để giúp các bạn trẻ chọn ngành học hoặc chọn nghề phù hợp.

Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu cán bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay?

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề chuyên nghiệp đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngành CTXH đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường đại học từ đầu thế kỷ 19.  Ở Việt Nam, các hoạt động công tác xã hội đã được các cơ quan và các tổ chức xã hội quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.  Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, những năm gần đây khoảng cách giàu nghèo và các vấn đề xã hội  có chiều hướng gia tăng và trở nên phức tạp.  Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… . Do đó, Việt Nam rất cần những cán bộ CTXH có trình độ chuyên môn và cần phải  nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt  Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (đề án 32). Nghề CTXH cũng đã có mã ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức. Theo Đề án 32, từ năm 2010-2020, mỗi năm nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại 3,500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Như vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn về CTXH ở nước ta là rất lớn.

Xin Ông cho biết nếu tốt nghiệp ngành CTXH thì có thể vào làm việc ở những cơ quan nào?

Những người có trình độ chuyên môn về CTXH có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; trong các cơ sở y tế  từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, cử nhân CTXH cũng có thể làm việc tại các cơ sở cung ứng dịch vụ CTXH, các trường học, các trung tâm tham vấn và thực hành CTXH trong các lĩnh vực sức khỏe tâm thần, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, văn hóa, xã hội, môi trường, hoặc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo CTXH. Trong tương lai, những người có chuyên môn về CTXH có thể tìm kiếm việc làm trong rất nhiều lĩnh vực khác  nhau.

Ông có thể cho các bạn trẻ một số lời khuyên trước khi chọn trường, chọn nghề theo học?

Nghề nào cũng cần có tình yêu nghề và đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đối với những người làm nghề CTXH còn cần phải có sự dấn thân vì cộng đồng và sự phát triển của xã hội.

Sinh viên các trường CTXH sẽ được đào tạo để có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ, có kiến thức chuyên môn CTXH và nắm vững các kỹ năng thực hành cơ bản về Công tác xã hội để giúp đỡ các cá nhân, các nhóm và cộng đồng chịu thiệt thòi trong xã hội tự vươn lên giải quyết những khó khăn, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của chính mình.

Nghề CTXH chuyên nghiệp còn khá mới ở nước ta, chương trình đào tạo CTXH còn nặng về lý thuyết và việc tổ chức cho sinh viên thực tập và thực hành  còn nhiều hạn chế. Nếu bạn là người yêu thích công việc cộng đồng và mong muốn hỗ trợ những người yếu thế, bạn là người phù hợp với nghề CTXH.  Để trở thành một người cán bộ CTXH chuyên nghiệp, chúng ta không chỉ học lý thuyết ở trong trường đại học, cao đẳng mà cần phải tăng cường thực hành, thực tập các kỹ năng nghề CTXH tại các Trung tâm CXTH và các cơ sở dịch vụ CTXH chuyên nghiệp.

Chúc các bạn chọn được ngành học phù hợp nhất.

Theo IFP VIETNAM ALUMNI

 

 
Góp ý
Các tin liên quan