GIÁO TRÌNH “KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á” RA MẮT ĐỘC GIẢ NĂM 2018

line
09 tháng 02 năm 2018



Quyển giáo trình “Kinh tế - Xã hội các nước Đông Nam Á” do TS. Lê Đăng Minh chủ biên vừa được Trường Đại học Văn Hiến kết hợp với NXB Kinh tế TP.HCM ấn hành sẽ ra mắt độc giả trong đầu năm 2018.  Bức tranh toàn cảnh về quá trình hình thành và phát triển của các nước Đông Nam Á (ASEAN), cùng những triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN sẽ được đề cập chi tiết trong công trình này.  



 

Hiệp hội Các quốc gia ASEAN được thành lập ngày 08/8/1967, nhằm hình thành một tổ chức khu vực vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ Hiệp hội của các nước nghèo, chậm phát triển, ASEAN nay đã vươn lên thành khu vực phát triển kinh tế năng động với dân số gần 630 triệu người, diện tích 4,48 triệu km2, GDP đạt 2.431 triệu USD và tổng giá trị thương mại khoảng 2.270 triệu USD vào năm 2015. Theo các chuyên gia dự báo ASEAN sẽ là cộng đồng kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.


Có vị thế địa lý, kinh tế mang tính chiến lược, ASEAN đã trở thành một trong những chủ thể quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, quan hệ hợp tác bao trùm các lĩnh vực cả trong lẫn ngoài khu vực. Với tầm quan trọng đó, cần nắm vững bức tranh toàn cảnh kinh tế ASEAN đồng thời nắm bắt các triển vọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác để đẩy mạnh phát triển của Việt Nam và cả khu vực. 


Quyển giáo trình “Kinh tế - xã hội các nước Đông Nam Á” (567 trang, gồm 06 chương, khổ 16x24cm) do TS. Lê Đăng Minh chủ biên, vừa được Trường Đại học Văn Hiến và NXB Kinh tế TP.HCM ấn hành, phác họa khá đầy đủ và cụ thể quá trình hình thành và phát triển của ASEAN. Bằng những số liệu cập nhật phong phú, và có hệ thống, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức tổng quan và chi tiết về:


(i) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, các giai đoạn lịch sử chính, tôn giáo, thể chế chính trị, chính sách đối ngoại, các mô hình và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cơ bản của mỗi quốc gia...; 
(ii) Cuốn sách giúp cho sinh viên có những so sánh, đối chiếu giữa mô hình phát triển kinh tế các nước Đông Nam Á với mô hình phát triển kinh tế các nước Đông Bắc Á và một số nền kinh tế khác trên thế giới; 
(iii) Triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN; 
(iv) Tổng quan về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).


Chúng tôi hân hạnh được giới thiệu cuốn sách với chủ đề lý thú và bổ ích trên đến quý bạn đọc gần xa. Thiết nghĩ, cuốn sách không những là giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học các trường đại học, cao đẳng, mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học, các nhà quản trị và những người quan tâm đến sự phát triển của tổ chức ASEAN nói chung và từng nền kinh tế của mỗi nước trong khu vực nói riêng.


                                                                                      Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế



Từ khóa: giáo trình, kinh tế, xã hội, Đông Nam Á