NHÂN LỰC NGÀNH KINH TẾ CÓ THẬT SỰ BÃO HÒA?

line

Từ năm 2013, thông tin bão hòa nguồn nhân lực khối ngành kinh tế đã khiến các bạn sĩ tử hoang mang, lo lắng. Nhiều bạn thí sinh vì sợ không có việc làm sau khi tốt nghiệp mà phải tạm gác lại niềm đam mê với khối ngành kinh tế. Nhằm giúp các bạn học sinh có cái nhìn khái quát hơn về nhân lực khối ngành kinh tế trong thời gian tới, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế - Đại học Giao thông Vận tải Tp.HCM đã có buổi trò chuyện cùng ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM:

Thưa Ông, Ông có thể cho biết nhu cầu nguồn nhân lực khối ngành kinh tế ở nước ta trong thời gian tới?

Ông Trần Anh Tuấn: Từ cuối năm 2013, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đã có dấu hiệu khởi sắc. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực khối ngành kinh tế trong thời gian tới là rất lớn.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 8 nhóm ngành Tp.HCM

giai đoạn 2014 -2015, xu hướng đến 2020- 2025

Theo dự báo về nhu cầu nhân lực qua đào tạo phân theo 8 nhóm ngành Tp.HCM giai đoạn 2014 -2015, xu hướng đến 2020- 2025 thì trong những năm tới mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 67.000 lao động nhóm ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính và chiếm khoảng 33% tổng nhu cầu lao động các nhóm ngành.Hiện nay có nhiều thông tin cho rằng: nhân lực khối ngành kinh tế đang bão hòa, học ngành kinh tế sẽ không có việc làm. Tuy nhiên, nhân lực khối ngành kinh tế không dư thừa mà chỉ dư thừa nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Riêng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu vẫn thiếu.Ông có thể cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu” như trên?

Ông Trần Anh Tuấn: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc chọn ngành, chọn nghề của các bạn học sinh.Thời điểm trước năm 2008, khối ngành kinh tế rở thành một ngành hot trong thời gian cực ngắn. Lượng thí sinh dự tuyển vào khối ngành này tăng đột biến, các trường thi nhau mở thêm khối ngành này. Tâm lý đám đông khi chọn ngành cộng thêm việc thiếu định hướng nghề nghiệp, khiến nhiều bạn nộp hồ sơ dự thi mặc dù biết mình không thích hợp với chuyên ngành đó. Điều này rất nguy hiểm. Bởi chỉ khi thật sự có đam mê, có những kỹ năng, tố chất phù hợp với ngành nghề thí sinh mới có thể chủ động theo đuổi nghề nghiệp, phát triển khả năng lâu dài và bền vững.

Thêm vào đó, trong quá trình học tập, sinh viên không tự ý thức được việc phát triển những kỹ năng làm việc, kỹ năng hội nhập để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp.

Theo Ông, để có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, sinh viên cần trang bị cho mình những yếu tố như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Đánh giá quá cao vai trò của bằng cấp và hạ thấp tầm quan trọng của kỹ năng là nguyên nhân hàng đầu khiến các bạn trẻ lâm vào cảnh thất nghiệp. Các kĩ năng mềm cần thiết vốn bị xếp vào hàng thứ yếu trong quá trình học tập tại trường lớp lại là một yếu tố vô cùng quan trọng khi các công ty tuyển dụng. Doanh nghiệp không cần một người học thức rộng, bằng cấp cao mà chỉ cần một người có thể giải quyết công việc cho họ.

Nhiều người thường cho rằng nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TPHCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo…

Sự suy thoái kinh tế trong thời điểm này chính là giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới tốt hơn. Chính vì vậy, các bạn sinh viên cần chuẩn bị kiến thức sâu rộng hơn, tác phong chuyên nghiệp hơn để tăng cơ hội việc làm cho chính mình.

Học sinh trong cả nước đang chuẩn bị cho việc chọn ngành, chọn nghề, Ông có lời khuyên gì với các bạn?

Ông Trần Anh Tuấn: Hãy suy nghĩ thật kỹ về con đường mà mình sẽ chọn lựa khi chuẩn bị vào đời. Khi chọn ngành, chọn nghề các bạn học sinh nên xem xét nhiều yếu tố như: sở thích, đam mê, khả năng của bản thân, nhu cầu nhân lực của địa phương, khu vực. Bên cạnh việc chọn ngành nghề thì việc chọn cơ sở đào tạo là vô cùng quan trọng. Bằng cấp của tất cả các trường là như nhau. Điều quan trọng nhất chính là các em chọn được môi trường đào tạo giúp phát huy tối đa khả năng của bản thân.

Đánh giá được vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sinh viên, hiện nay nhiều trường đã đưa nội dung này vào chương trình đào tạo của mình. Tuy nhiên, trong quá trình chọn trường, các bạn học sinh nên chọn những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng để theo học.

Xin cảm ơn Ông!

Theo dubaonhanluchcmc.gov.vn

Góp ý