10 điểm cần lưu ý trong tuyển sinh đại học năm 2019

line
20 tháng 03 năm 2019
     Khi đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2019, thí sinh phải nắm chắc những nguyên tắc quan trọng của tuyển sinh để đưa ra những quyết định sáng suốt, phù hợp với lựa chọn tương lai của mình.
1. Đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng 
     Dự kiến Bộ GD – ĐT vẫn duy trì quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Tuy nhiên, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường.
2. Được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi
     Dự kiến sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến chỉ được chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu đăng ký dự thi.
     Còn với điều chỉnh bằng Phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có.
3. Thí sinh được hỗ trợ khi điều chỉnh nguyện vọng 
     Để hỗ trợ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tránh sai sót không đáng có, tại các điểm đăng ký dự thi, các trường sẽ bố trí cán bộ để hướng dẫn thí sinh. Đặc biệt, trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ sẽ đăng tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng. 
Ngoài ra, như các năm trước đây, trước thời điểm bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng chính thức, Bộ GD-ĐT còn quy định trong thời gian nhất định, thí sinh được thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, giúp thí sinh thao tác thành thạo các chức năng điều chỉnh nguyện vọng. Sau đó, hệ thống sẽ khóa và những dữ liệu đã thực hành sẽ bị xóa hoàn toàn trước khi thời gian tiến hành điều chỉnh nguyện vọng chính thức được bắt đầu.
4. Đợt 1: chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất
     Bộ GD-ĐT quy định đợt 1, thí sinh được xét trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Theo nguyên tắc, đối với một thí sinh, khi xét tuyển thì sẽ xét theo thứ tự ưu tiên của nguyện vọng mà bạn đã đăng ký. Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì cần xác định thứ tự ưu tiên theo sở thích, kết quả thi và sắp xếp nguyện vọng cao nhất là nguyện vọng yêu thích nhất, phù hợp với điểm thi.
     Quá trình xét tuyển sẽ lần lượt thực hiện theo nguyên tắc khi đã trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì quá trình xét tuyển sẽ ngừng lại, không xét tuyển các nguyện vọng thấp hơn. Ví dụ, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng trượt nguyện vọng thứ nhất và trúng tuyển ở nguyện vọng thứ hai thì quá trình xét tuyển sẽ dừng ở bước này. Các nguyện vọng từ thứ ba trở đi sẽ không được xét nữa. Hệ thống sẽ thông báo thí sinh trúng tuyển vào ngành đã đăng ký tương ứng với nguyện vọng 2.
5. Ưu tiên khu vực chênh 0,25 điểm, ưu tiên đối tượng chênh 1 điểm
     Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm. Cụ thể, Khu vực 1 (KV1): cộng ưu tiên 0,75 điểm; Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT): cộng ưu tiên 0,5 điểm; Khu vực 2 (KV2): cộng ưu tiên 0,25 điểm; Khu vực 3 (KV3): không cộng điểm ưu tiên. Riêng về ưu tiên đối tượng, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm.
6. Tổng điểm xét tuyển làm tròn đến hai chữ số thập phân
     Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi và được làm tròn đến 0,25 cộng với điểm ưu tiên. Kỳ tuyển sinh năm 2019, bộ cũng sẽ tiếp tục không thực hiện quy định làm tròn điểm cũ. Thay vào đó, điểm xét tuyển là tổng các bài thi theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Như vậy, với quy định làm tròn đến 0,25 như trước, nếu thí sinh đạt từ mức 14,88 đến 15,12 đều được làm tròn thành 15 điểm. Nhưng với việc thay đổi làm tròn đến hai chữ số thập phân thì nếu thí sinh đạt đến 14,99 điểm vẫn giữ nguyên mà không được làm tròn thành 15 điểm. Nếu đạt từ 14,991 đến 14,994 sẽ được làm tròn thành 14,99 điểm. Chỉ từ 14,995 đến 14,999 mới được cộng tròn thành 15 điểm.
7. Sư phạm, y – dược sẽ có điểm sàn riêng
     Từ năm 2018, Bộ GD – ĐT không còn quy định điểm sàn chung, nhưng riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên vẫn phải sử dụng một mức điểm sàn do Bộ GD – ĐT quy định, từ bậc trung cấp đến cao đẳng, đại học. Trong đó, điểm sàn đại học sư phạm năm 2018 là 17 điểm. Tuy nhiên, từ năm 2019, dự kiến ngoài điểm sàn riêng cho ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có quy định về điểm sàn cho khối ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
8. Thí sinh cùng đăng ký 1 ngành: xét tuyển không phân biệt thứ tự ưu tiên
     Theo quy định của Bộ GD – ĐT, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó. Còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cũng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Ví dụ thí sinh A và B đều đăng ký vào cùng một ngành của một trường.; thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1 và thí sinh B đăng ký nguyện vọng 4. Nếu B đã trúng tuyển một trong các nguyện vọng từ 1 đến 3 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 4 nữa. Tuy nhiên, nếu cả ba nguyện vọng trên thí sinh B đều không trúng tuyển, thì sẽ được xét tuyển vào ngành đăng ký nguyện vọng 4. Khi xét tuyển nguyện vọng này, thí sinh A và thí sinh B đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, ai điểm cao hơn sẽ được lợi thế hơn. 
9. Có thể đăng ký nhiều tổ hợp xét tuyển vào 1 ngành
     Hiện nay, nhiều trường cho phép dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. Theo quy định, nếu trong một ngành trường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển, các trường cần phải công bố công khai cách xét tuyển giữa các tổ hợp. Các trường có thể đưa ra độ chênh của điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp (độ chênh này có thể bằng 0, khi đó các tổ hợp đều có cùng điểm trúng tuyển); các trường cũng có thể quy định chỉ tiêu dành cho từng tổ hợp. Như vậy, để chọn tổ hợp dùng để đăng ký xét tuyển, thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy định của các trường (được công khai trên trang thông tin tuyển sinh của các trường).
Sau khi xác định được độ chênh điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình để xác định dùng tổ hợp nào sẽ có lợi nhất. Nếu trường quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp, thí sinh có thể sử dụng nhiều tổ hợp để đăng ký xét tuyển vào ngành đó, mỗi tổ hợp là một nguyện vọng.
10. Các trường tự chủ tuyển sinh
     Hướng đến kỳ tuyển sinh 2019, Bộ GD – ĐT đã phát đi thông điệp về việc tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh. Cụ thể: các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
(Theo Người lao động)