Tuyển sinh 2014: Thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học
Với nhiều đổi mới cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay, các em học sinh lớp 12 đã hoàn thành tốt "nhiệm vụ" với tâm lý thoải mái hơn mọi năm. Tương tự, kỳ thi ĐH, CĐ 2014 cũng có nhiều quy định được thay đổi khiến “cánh cổng” vào ĐH,CĐ cũng rộng mở hơn. Tuy nhiên, để có thể “vượt qua chướng ngại vật” lớn nhất trong quãng đời học sinh này thì các em đã trải qua rất nhiều “cuộc chạyđua” và chịu nhiều áp lực.Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các em học sinh chỉ cần phải thi 4 môn trong đó 2 môn được tự mình lựa chọn đã khiến áp lực thi cử của các sĩ tử năm nay giảm đi một nửa. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng tăng nhẹ so với với năm trước khi có nhiều trường cán mốc gần 100%. Thế nhưng, sau kỳ thi này thì các sĩ tử lớp 12 vẫn còn phải trải qua một kỳ thi có phần quan trọng hơn và khiến các em lo lắng nhiều hơn – kỳ thi ĐH, CĐ.
Cũng giống với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi ĐH, CĐ 2014 cũng là năm đầu tiên có nhiều đổi mới về quy chế thi so với mọi năm. Những năm trước, thi theo hình thức “3 chung”, những thí sinh mà không trúng tuyển NV1 nhưng có điểm trên điểm sàn thì mới được cấp giấy chứng nhận kết quả thi.Tuy nhiên, năm nay, tất cả các thí sinh dự thi ĐH, CĐ 2014 sẽ có nhiều cơ hội hơn, cánh cửa vào trường đại học cũng rộng mở hơn khi các em đều được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi (có dấu đỏ của trường) để đăng ký xét tuyển vào các trường khác còn chỉ tiêu, nếu không đỗ NV1. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có thể tham gia nhiều đợt xét tuyển khi các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có thể tổ chức 1-2 kỳ thi/năm.Đồng thời Bộ cũng cho phép 64 trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng nên cơ hội cho các em được học ĐH, CĐ nhiều hơn. Tuy nhiên, trái với mọi năm, giáo dục cứ mở rộng được chỗ này lại thắt lại chỗ kia khi áp lực thi tốt nghiệp hay ĐH cho các cô cậu tú giảm bớt, thì "gánh nặng tâm lý" lại dồn sang lũ học sinh thi chuyển cấp. Thậm chí, còn được đánh giá là căng thẳng hơn cả kỳ thi ĐH, CĐ bởi các em phải học ngày học đêm ôn luyện và nếu chẳng may trượt thì các em cũng mất luôn cơ hội học trường đã theo đuổi bao lâu nay.
Tại Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 năm nay, tỷ lệ chọi vào nhiều trường tương đối cao, cánh cổng vào các trường THPT công lập tương đối hẹp (chiếm khoảng 65% thí sinh dự thi) khiến nhiều em dù thi xong nhưng vẫn không bớt lo lắng, có em còn bật khóc bởi không làm được môn Toán. Cùng với cuộc thi cam go vào lớp 10 thì cuộc thi vào lớp 6 trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cũng ác liệt không kém, có phần hơn. Để giành được 1 suất vào trường không phải là chuyện dễ khi tỷ lệ chọi vào trường luôn ở mức cao. Nhiều em học sinh để chuẩn bị thật tốt cho ngày thi vào trường này mà ngay từ những năm lớp 3, lớp 4 phải đến học ở những trung tâm luyện thi rồi phải học gia sư triền miên. Trong khi lò luyện thi tại nhiều thành phố lớn cho các sĩ tử thi ĐH, CĐ năm nay trở nên “vắng” khách thì nhiều lò luyện thi vào trường Trần Đại Nghĩa dành cho các em 12 tuổi vẫn “nóng” như mọi năm, có em lại còn phải ăn, ngủ luôn tại chỗ học vì nhà xa.
Thế mới thấy làm học sinh Việt Nam quả là gian nan. Để chuẩn bị cho các cuộc “chạy đua” chuyển cấp mà các em đã phải học thêm nhiều nơi, ôn luyện ngày đêm. Hè đến là thời gian nghỉ ngơi thì nhiều em vẫn chỉ quanh quẩn bên sách vở. Trước đó, theo khảo sát mới nhất của OECD (Tổ chúc Hợp tác và phát triển kinh tế) công bố hồi cuối tháng 2/2014, về đầu tư thời gian học thêm thì học sinh Việt Nam đứng thứ 5/68 quốc gia, trong khi khả năng linh hoạt giải quyết vấn đề lại đứng gần như “đội sổ” (đứng thứ 67/68 quốc gia).Với sự kỳ vọng của cha mẹ, thậm chí là áp lực ngay từ những lời động viên của các bậc phụ huynh đã khiến nhiều em học sinh chỉ có thể dành thời gian đầu tư vào việc học hành mà có ít sự vui chơi, giải trí, thiếu các kỹ năng sống. Hơn nữa, có lẽ quá quen với chuyện ôn luyện, chạy đua thi cử để nhắm đến một mục tiêu đỗ đạt mà lũ trẻ sau này, rất có thể sẽ trở thành những công chức nhiều bằng cấp, hiện đang mất điểm trong mắt người dân.Theo Songmoi, http://songmoi.vn/xa-hoi-giao-duc/co-hoi-vao-dh-cd-2014-rong-mo-hon-cho-cac-thi-sinh