KỸ NĂNG “SĂN” HỌC BỔNG

line

Mùa tựu trường sắp đến cũng là lúc mùa săn học bổng vào thời kỳ sôi nổi nhất trong năm. Xin chia sẻ các kỹ năng, kiến thức cơ bản để bạn đọc tham khảo.

Các loại học bổng

Có rất nhiều dạng học bổng khác nhau, tuy nhiên có thể phân loại thành những nhóm cơ bản:

- Học bổng Chính phủ: Thường là những học bổng danh giá, có tính cạnh tranh cao. Học bổng này có rất nhiều ưu đãi: chi phí đi lại, bảo hiểm, thủ tục visa. Ở Việt Nam, học bổng này thường được đại sứ quán các nước đặt ở Việt Nam quản lý, điều tiết. Ví dụ như học bổng của chính phủ Nhật (Monbusho), học bổng của chính phủ Pháp (Evaris Galois), học bổng của chính phủ Đức (DAAD)…

- Học bổng của các tổ chức, công ty: Học bổng này thường cung cấp cho những chuyên ngành cụ thể hoặc đa ngành.

- Học bổng của các trường đại học: Thông thường các trường đại học ở nước ngoài có quan hệ rất tốt với các cá nhân, tổ chức, công ty. Họ thường tìm cách vận động để các cá nhân, tổ chức và công ty đó cung cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài theo học tại trường họ.

- Học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng: Giáo sư nước ngoài có vai trò rất lớn trong việc nhận ai đó vào học bởi họ có quyền và có chi phí nghiên cứu riêng, do đó nếu được sự ủng hộ của các giáo sư thì khả năng được nhận vào học và có học bổng (thông qua hình thức trợ giúp nghiên cứu RA, hoặc trợ giảng RA) sẽ cao hơn rất nhiều.

Cách “săn” và nộp hồ sơ

- Chủ động tìm kiếm thông tin: Phải chủ động tìm kiếm và tự giải đáp các câu hỏi trong khi săn học bổng, đừng hi vọng tìm được tất cả các câu trả lời thông qua người khác. Quan trọng nhất vẫn là trang web của trường vì nó cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng nhất, kế đó là các diễn đàn du học và các trang web về giáo dục. Bạn có thể đến đại sứ quán nước bạn dự định đi học để tìm hiểu thông tin.

- Tự đánh giá khả năng: Phải tự xác định khả năng của mình thông qua tiêu chí của các tổ chức cấp học bổng để tìm được học bổng phù hợp. Ngoài ra phải xác định rõ chuyên ngành bạn muốn theo học vì có trường hợp chỉ chăm chăm chọn trường tên tuổi mà không hiểu rằng ngành học mình mong muốn chưa hẳn là thế mạnh của ngôi trường đó.

- Chuẩn bị và nộp hồ sơ: Thông thường là 2 năm. Năm đầu tiên bạn chuẩn bị ngôn ngữ (thi chứng chỉ cần thiết như TOEFL, GRE…) và chuyên môn (đọc tài liệu để có ý tưởng viết SOP và research proposal). Năm thứ 2 bạn chính thức làm hồ sơ và sau khi có kết quả chính thức bạn sẽ làm các thủ tục tiếp theo. Thường các trường nước ngoài nhận sinh viên quốc tế vào tháng 9 hàng năm. Nếu bạn nộp hồ sơ xin học tháng 9 năm nay thì thường là tháng 12 năm trước hoặc tháng 1 là hết hạn nộp hồ sơ, do đó chuẩn bị hồ sơ từ tháng 9 năm trước là hợp lý.

- Lưu ý khi làm hồ sơ: Trình tự cơ bản: Xác định chuyên ngành và trường cần nộp hồ sơ; hoàn thành hồ sơ; kiểm tra hồ sơ; gửi hồ sơ; theo dõi hồ sơ sau khi gửi.

Khâu theo dõi hồ sơ sau khi gửi là rất quan trọng. Những người có kinh nghiệm chia sẻ bạn nên thường xuyên checkmail và liên hệ với các giáo sư. Thực tế cho thấy việc liên hệ với các giáo sư trước và sau khi nộp hồ là điều hết sức cần thiết. Bạn nên nhớ các giáo sư có thể cho bạn biết rất nhiều thông tin nóng hổi và tư vấn cho bạn cách làm, hướng đi chuẩn xác nhất.. Song song đó, một số giáo sư còn là cầu nối giữa bạn với hội đồng tuyển sinh, thậm chí họ có thể can thiệp đến kết quả của hội đồng xét tuyển.

Theo Báo Lao động

Góp ý