Thi Đại học 2014: Điều cần biết trước giờ G

line

Theo báo cáo nhanh của Bộ, đợt 1 kỳ thi có 141 trường tổ chức thi với 983 điểm thi và hơn 24.000 phòng thi. Tổng số có 767.682 TS đăng ký dự thi. Số TS đến làm thủ tục dự thi là 571.688 đạt tỷ lệ 74,47%. Cũng tại đợt thi này có 22.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia hướng dẫn TS nơi ăn, chốn ở, địa điểm thi cho TS và người nhà. Các tổ chức xã hội hỗ trợ được 38.292 chỗ ở miễn phí và 30.200 suất ăn miễn phí cho TS.

thi-dai-hoc (1)

Cơ hội vào đại học sẽ cao hơn

Với những đổi mới của kỳ thi ĐH năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có năng lực được vào học các ngành nghề phù hợp của các trường ĐH.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc thay điểm sàn bằng các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào, trong đó cho phép các trường nhân hệ số môn thi chính, sẽ giúp những thí sinh (TS) có năng lực về một môn sở trường cũng có cơ hội trúng tuyển. Trước đây, với việc quy định một mức điểm sàn thì TS phải đạt điểm này mới đủ điểu kiện xét tuyển. Năm nay, nếu TS chọn được ngành phù hợp với năng lực thì dù không đạt mức điểm sàn nhưng có điểm môn thi chính cao, TS vẫn có cơ hội trúng tuyển.

Bên cạnh đó, việc cho phép các trường thi riêng cũng là hình thức giúp các trường tự chủ để lựa chọn được những TS phù hợp với ngành nghề mà trường đào tạo. Việc này cũng giúp TS có nhiều lựa chọn hơn. Nếu những năm trước đây, TS chỉ tham gia kỳ thi 3 chung mới có thể vào ĐH thì nay TS có thể dùng kết quả phổ thông để xét tuyển.

Đồng thời với việc đổi mới này, năm nay Bộ cũng rất mạnh mẽ trong việc đổi mới cách ra đề thi. Đề thi sẽ tăng câu hỏi mở và kiểm tra năng lực của TS chứ không kiểm tra kiến thức thuộc lòng một cách máy móc như trước đây. Điều này sẽ giúp TS phát huy được năng lực thực sự của mình và chất lượng nguồn tuyển cũng sẽ được cải thiện. Các trường sẽ tuyển được những TS có năng lực cần thiết cho ngành nghề đào tạo của trường. Thứ trưởng Ga khẳng định: "Có thể nói kỳ thi năm nay sẽ đánh giá được thực chất hơn năng lực của TS. Vì vậy, những TS có năng lực sẽ có cơ hội vào ĐH cao hơn năm trước".

Lúng túng vì ưu tiên khu vực

Như dự đoán, trong ngày làm thủ tục đăng ký dự thi hôm qua, số lượng TS chỉnh sửa ưu tiên khu vực và đối tượng khá nhiều.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phải bố trí riêng một khu vực với máy tính, máy in và mộc đỏ để chỉnh sửa hoặc cấp lại giấy báo cho TS.

Trường ĐH Hoa Sen có khoảng hơn 10 trường hợp đề nghị điều chỉnh khu vực ưu tiên. Trường quy định TS nộp được các giấy tờ chứng minh tại buổi làm thủ tục sẽ được chỉnh sửa ngay trong ngày 3.7, nếu không đến ngày thi trường tiếp tục chỉnh sửa. Tình hình tương tự diễn ra tại Cần Thơ. Trong sáng qua, có 250 TS điều chỉnh về khu vực, đối tượng ưu tiên.

Phần lớn những chỉnh sửa trên giấy báo thi tại ĐH Huế trong sáng hôm qua đều rơi vào khu vực ưu tiên. Trong quá trình nhận hồ sơ, ĐH Huế đã chỉnh sửa lỗi này rất nhiều nhưng vẫn còn sai sót.

Khoảng 100 TS của Trường ĐH Thủy lợi bị sai tên tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính, đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, nhiều TS bị thiếu giấy tờ chứng minh được ưu tiên khu vực 1 theo quy chế mới. Tại Trường ĐH Công nghiệp có khoảng 800 TS chưa rõ về đối tượng ưu tiên và chưa thể kịp bổ sung thông tin trong ngày làm thủ tục dự thi. Tại Trường ĐH Ngoại thương cũng có nhiều trường hợp phải bổ sung giấy tờ để chứng minh được ưu tiên theo khu vực.

Sau khi tổng kết tình hình chỉnh sửa của các đơn vị thành viên, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có văn bản cho phép các trường tiếp tục điều chỉnh chính sách ưu tiên sau đợt thi. Bởi lẽ, Quy chế tuyển sinh quy định việc chỉnh sửa chỉ được thực hiện trước ngày thi trong khi nhiều TS không kịp xuất trình giấy tờ chứng minh.

Theo Thanhnien.com.vn
Góp ý