Đây là nỗi bận tâm lớn nhất vì có những sai lầm bạn có thể mắc phải. Và ai cũng có chung một câu hỏi, đó là “làm sao để xác định ngành nghề phù hợp với mình”
Đừng lẫn lộn giữa ngành nghề và việc làm
Ngành nghề và công việc tuy mới nói qua thì nó mang tính chất như nhau, nhưng nếu xét rõ hơn thì hai khái niệm này khác nhau rõ ràng. Nhiều bạn không phân biệt được giữa ngành nghề và việc làm, nghĩ mình học một ngành ra để làm một nghề duy nhất. Ví dụ như bạn đang có ý định thi vào khối A ngành Ngân hàng, và bạn đang có suy nghĩ công việc sau khi ra trường của bạn sẽ là… ngồi "vọc" tiền.
Trên thực tế, một ngành nghề khi được đào tạo, sẽ trang bị những kĩ năng để có thể chuẩn bị cho sinh viên một - số - nghề khác nhau. Mỗi nghề có một vị trí việc làm khác nhau, kỹ năng khác nhau và yêu cầu tuyển dụng cũng khác nhau. Đừng nhầm lẫn nhé! Ví dụ như làm một phóng viên báo chí có thể đi từ chuyên ngành Báo chí, hay học Ngoại giao chẳng hạn, học Truyền thông cũng đào tạo kỹ năng có thể trở thành phóng viên; nhân viên ngân hàng có thể là tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng, chuyên ngành thị trường chứng khoán, kế toán – kiểm toán, Tiếng Anh thương mại… Còn nếu bạn muốn có một nghề mặc định như đang nghĩ, thì trường dạy nghề đấy mới chính là nơi như thế.
Đừng chỉ nhìn vào bề nổi của một ngànhHầu hết khi chọn ngành học, các bạn thường có xu hướng đi theo những ngành “hot” mà không quan tâm đến những khía cạnh khác, chẳng hạn mình đam mê hay yêu thích nó không, mình có hợp với ngành này không, sẽ gặp khó khăn gì nếu mình chọn nó, hay bạn chọn nó vì nó “hot” và bạn sẽ “hái” được nhiều tiền sau khi đi làm.
Minh Trâm (Sinh viên chuyên ngành ngân hàng, Đà Nẵng) chia sẻ: “Ban đầu tớ đã quyết đi theo nghề giáo, được ba mẹ ủng hộ nhiều. Đến thời điểm cuối năm 12, tớ thấy tụi bạn cắm đầu chạy vào kinh tế vì những lý do riêng của mỗi người, bỗng nhiên bị xao nhãng và mình đột ngột chuyển sang nộp đơn vào ngành ngân hàng vì một lý do chẳng hiểu nổi: nghĩ làm ngân hàng nhàn rỗi hơn giáo viên và đặc biệt nhìn mấy chị ngồi ở ngân hàng rất thích, lương thưởng nhiều. Bố mẹ không thuyết phục được nên cũng đành phải chấp nhận”.
Đi kèm với chuyện công việc “hot” thì chẳng phải ngon ăn, cùng lúc hăm hở thi vào thì đầu ra bị ứ đọng, xin việc khó khăn, đến lúc đấy mới nhận ra chúng ta chỉ biết chăm chăm nhìn vào bề nổi mà thôi.
“Với chuyên ngành mình đang học, mình biết sau này ra trường sẽ rất khó khăn, cộng với việc học không đúng chuyên ngành, học lực chẳng khá gì thì càng oái oăm đấy” – Minh Trâm tiếp tục nói.
Đừng bị áp lực phải chọn “Thi Đại học”
“Tôi có một người anh trai, anh ấy từng nuôi ước mơ được học Giao thông vận tải tại Sài Gòn, nhưng anh ấy biết khả năng của mình không thể, trong khi tài chính của bố mẹ cũng khó khăn. Ban đầu anh rất nản khi phải thi vào Xây dựng và học ở quê đỡ đốn kém chi phí. Anh ấy học trung cấp hai năm, sau đấy học liên thông Cao đẳng, và giờ đã đi làm đúng chuyên ngành được hơn một năm với mức lương ổn đinh và nhất là luôn hài lòng. Anh đã chứng minh cho tôi một điều mà trước giờ tôi luôn bị bó buộc, đó là phải học Đại học thì mới thành công” – Quốc Anh 20 tuổi, Đà Nẵng chia sẻ.
Bạn cảm thấy học lực của bản thân đến mức nào thì hãy chọn thi vào một trường phù hợp, đừng mơ trèo cao để bị ngã. Đừng để bị áp lực vì bắt buộc mình phải thi vào Đại học. Đại học đúng là một cánh cửa đã hé mở ra cho tương lai, nhưng không phải không chạm đến nó thì bạn trở thành một học sinh dở tệ. Hãy phấn đấu từ đầu thì sẽ có kết quả tốt hơn nếu bạn chạy bỏ bước và quá xa nhé!
Theo Kenh14.vn