Kính gởi: Thầy Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động.
Câu hỏi: Thưa thầy, cháu tên Lê Ngọc Phương hiện ở tại Tỉnh Bình Thuận và các bạn cùng lớp, được biết thầy qua các chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2014 cháu tốt nghiệp THPT, cháu muốn biết ngành công nghệ thông tin có chuyên ngành đào tạo nào là tốt nhất để có việc làm ? thực tế nhu cầu nhân lực và việc làm thì như thế nào đến năm 2017 và đến 2020. Đặc biệt xin thầy cho biết cụ thể tại thành phố Hồ chí Minh vì cháu và các bạn dự định học tại TPHCM. Trong quá trình học cháu phải chú ý rèn luyện kỷ năng gì để thật sự phù hợp sự cần thiết làm việc tốt nhất
Mong sớm nhận tin thầy, cháu và các bạn cháu rất cám ơn
Phuongngoc1996@gmail.com
Trả lời: Chào cháu Lê Ngọc PhươngNgành công nghệ thông tin có rất nhiều lĩnh vực như công nghệ phần mềm, kỹ thuật mạng, công nghệ nội dung số và phát triển phần mềm di động, game, …đều là những lĩnh vực phát triển rất nhanh và có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực. Thị trường ngành công nghệ thông tin thay đổi hàng năm. Nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì ngày nay đã có nhiều lĩnh vực mới được mở rộng như tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game…
Trong quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2013-2020 đến 2025, thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Trong đó đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp như: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm. Với lượng cầu khoảng từ 270.000 đến 280.000 chỗ làm/năm, riêng ngành CNTT chiếm từ 6% đến 7% (khoảng 16.000 đến 20.000 người), điều này cho thấy ngành CNTT đang có yêu cầu cao về sự phát triển, nguồn nhân lực chuyên ngành CNTT tập trung vào lĩnh vực lập trình viên, KS sư hệ thống mạng, KS phần cứng, kỹ thuật viên - chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng, IT...
Hiện cả nước có khoảng 277 trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin. Mỗi năm, lượng sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp khá lớn, tại thành phố Hồ chí Minh tuyển sinh đào tạo ngành CNTT năm 2012 là 20.527 sinh viên,năm 2012 là 18.799 sinh viên, giảm 8.426 so năm 2012(ĐH: 41%, CĐ: 43%,TC: 26%). Tuy nhiên nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội chỉ khoảng 30%, còn lại là phải đào tạo bổ sung.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp chuyên ngành CNTT: “Khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH, CĐ kề cả trường trung cấp với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành CNTT tại doanh nghiệp là quá xa. Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa giỏi kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ”. Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp phần mềm hiện nay còn rất thiếu kinh nghiệm và yếu về kiến thức chuyên môn. Số sinh viên ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là phải đào tạo bổ sung. Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy hiện nay 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề. Đặc biệt là đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ khoảng 15% số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại, cá biệt có những doanh nghiệp phải mất tới 2 năm để đào tạo lại. Đồng thời các doanh nghiệp, công ty phần mềm trong nước cũng đang chật vật tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Có thể kể đến các vị trí hiện đang khát nguồn nhân lực trầm trọng như: lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…
Như thế ngành Công nghệ thông tin hiện nay và những năm tới nhu cầu nhân lực yêu cầu số lượng lớn, thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là TP.HCM có nhu cầu nhân lực rất lớn, yêu cầu cao nguồn lao động qua đào tạo nghề về số lượng và chất lượng chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên vấn đề cung - cầu nhân lực của ngành này đang tồn tại nhiều nghịch lý.
Nhìn chung việc đào tạo ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt cơ cấu trình độ chuyên môn và kỹ năng thích ứng sự phát triển của ngành CNTT trong các doanh nghiệp, điểm yếu của đội ngũ nhân lực CNTT này là còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả kiến thức ngoại ngữ, vì vậy nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường lao động, trong khi đó có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT phải thất nghiệp hoặc phải làm công việc trái ngành. Nguyên nhân lớn nhất là do trình độ của họ hạn chế, chưa phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để có được đầu ra đáp ứng nhu cầu là doanh nghiệp phải tham gia hỗ trợ huấn luyện chuyên môn và kỹ năng nghề. Theo tôi được biết đã có một vài hợp đồng được ký kết theo dạng doanh nghiệp và các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành CNTT về gắn kết trực tiếp đào tạo, tuy có thể là số lượng nhân sự được đào tạo theo dạng hợp đồng này chưa nhiều nhưng đó cũng là khởi đầu của một mô hình mới. Các doanh nghiệp cần làm tốt việc thông tin với cơ quan quản lý nhà nước và phối hợp với đơn vị dự báo nhu cầu nhân lực thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo cơ cấu ngành nghề, số lượng lao động ngắn hạn và trung hạn. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn, dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội; xây dựng những chính sách về tiền lương và khen thưởng thu hút nhân lực phù hợp với thực tế đời sống xã hội và giá trị sức lao động.
Có thể nhận thấy rõ nét, thị trường nhân lực và đầu ra của ngành công nghệ phần mềm (CNTT) có chiều hướng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và yêu cầu chuyên nghiệp hơn trong nhiều năm tới. Vấn đề cần quan tâm là có những giải pháp thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo ngành CNTT giỏi kiến thức chuyên môn,kỹ năng nghề,ngoại ngữ để sinh viên Việt Nam sau khi ra trường có thể đáp ứng được thị trường lao động trong nước và Quốc tế ngày càng cạnh tranh.Theo dubaonhanluchcmc.gov.vn