Ngành Logistics ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp hiện đại. Mức lương ở vị trí lãnh đạo trong ngành từ 3.000 – 7.000 USD/tháng. Nhưng nguồn nhân lực cho vị trí này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Giới thiệu ngành Logistics
Logistics có thể được hiểu là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Ngày nay, Logistics đã được xem như là một phần trong hoạt động của chuỗi cung ứng. Hiểu đơn giản, chuỗi cung ứng là một sự sắp xếp giữa các công ty liên kết với nhau để đem sản phẩm hay dịch vụ ra thị trường.

Ngày nay, Logistics là một phần của nền kinh tế hiện đại.
Chức năng của ngành Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hư hỏng… Nếu làm tốt về Logistics, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty.
Tình hình phát triển ngành Logistics tại Việt Nam
Tại Việt Nam hiện nay, ngành Logistics có thể được xem là ngành “hái ra tiền”. Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành, hiện nay có gần 300.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam với số lượng lao động lên đến khoảng 1,5 triệu lao động.

Vị trí địa lý của Việt Nam phù hợp với vận tải biển và hàng không.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của ngành. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm của ngành Logistics, nguồn nhân sự hiện nay vẫn là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn nhân lực lao động, vấn đề nhức nhối của ngành Logistics.
Nguồn nhân lực Logistics hiện tại của Việt Nam thường chỉ là: chắp vá và thiếu bài bản. Có thể khẳng định rằng các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ Logistics. Phần lớn kiến thức mà những người làm Logistics hiện nay có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên làm trong ngành dịch vụ này.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các công ty Logistics chủ yếu vẫn được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo, còn những người tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 3,9%.
Bộ Giáo Dục vẫn dậm chân
Tại Việt Nam mới chỉ có Trường Đại Học Giao Thông Vận Tải TP.HCM là có đào tạo cử nhân về Quản trị Logistics và Vận tải Đa phương thức - Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy (Trường Đại Học Hàng Hải Việt Nam) cho biết.
Trong bảng mã ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hề có mã ngành Logistics hay Quản trị chuỗi cung ứng. Do vậy mà cách thức đào tạo chủ yếu được thực hiện thông qua các khóa học ngắn ngày được tổ chức bởi các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo Logistics hoặc các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc do các công ty tự tổ chức đào tạo nhân lực cho mình. Môn học Logistics (hoặc liên quan đến Logistics) tại các trường Đại Học của Việt Nam có nội dung hạn chế, chủ yếu đào tạo thiên về vận tải biển và giao nhận đường biển.
Lương khủng nhưng khó tuyển người
Logistics là ngành có mức lương "khủng" hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên Logictics có mức lương khởi điểm từ 6 - 7 triệu/tháng, trong khi đó các vị trí Lãnh Đạo Cao Cấp và Quản Lý đang rất cần nguồn nhân sự để phát triển ngành. Cụ thể như mức lương cho vị trí Logictics Manager dao động từ 3.000 - 4.000 USD/tháng, vị trí Giám Đốc Chuỗi Cung Ứng (Supply Chain Director) có mức lương từ 5.000 - 7.000 USD/tháng.
Đây là một thực tế rất đau đầu của các doanh nghiệp hiện nay, nguồn nhân lực lao động cơ bản tại Việt Nam không thiếu. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ 30% mỗi năm của ngành Logistics hiện nay, các công ty cần phải nhanh chóng mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, không để bị tuột dốc và nhường lại thị phần cho các doanh nghiệp khác. Do đó việc tuyển dụng nhân viên ở cấp độ quản lý và giám đốc là vấn đề bắt buộc và sống còn của mỗi doanh nghiệp hiện nay.
Nguồn: https://eduvietglobal.vn/hoi-thao-tim-hieu-chuyen-nganh-logistics.html