Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo đào tạo theo hệ thống tín chỉ: nguyên lý, thực trạng và giải pháp.

line

Sáng nay (6/3/2015), tại Hội trường 1004A, Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức buổi “Hội thảo đào tạo theo hệ thống tín chỉ: nguyên lý, thực trạng và giải pháp”.

Nhằm đi theo đúng xu thế chung của các trường đại học trong nước và toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học, phát triển và nâng dần chất lượng đào tạo, trường Đại học Văn Hiến đã quyết định áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ từ năm học 2013-2014. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Hướng đến mục đích tạo cơ hội để các giảng viên, cán bộ quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm giải pháp cho những vấn đề tồn tại, Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo Đào tạo theo hệ thống tín chỉ: nguyên lý, thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu khai mạc PGS.TS. Trần Văn Thiện(Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) cho rằng: Hội thảo là cơ hội nâng cao nhận thức của giảng viên, cán bộ về lợi ích cũng như các vấn đề cốt lõi của mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Qua đó, tạo ý chí thống nhất trong việc triển khai. Đây cũng là dịp để Nhà trường tìm hiểu, đánh giá thực tiễn triển khai hệ thống tín chỉ từ các giác độ khác nhau, trong từng lĩnh vực hoạt động của trường đại học.

DSC_0018 Th Thien

PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) phát biểu 

DSC_0044 chu toa doan

Chủ tọa đoàn buổi Hội thảo: PGS.TS. Trần Văn Thiện, PGS.TS. Phạm Xuân Hậu, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà

Với tham luận nhan đề: Đào tạo theo học chế tín chỉ và những đề xuất của Trường Đại học Văn Hiến, ThS. Đỗ Văn Bình (Trưởng Khoa Giáo dục Đại cương - Trường Đại học Văn Hiến) kiến nghị một số ý kiến để việc áp dụng học chế tín chỉ tại Trường được tốt hơn như: đội ngũ cố vấn học tập nên tư vấn cho sinh viên trong việc chọn môn học tập trung; cần tận dụng công năng của cơ sở Quận 12 đã bị khiếm dụng trong vài năm qua; đề nghị Trường xem xét bố trí thêm thư viện ở cơ sở Âu Cơ; cần biên soạn “Sổ tay sinh viên” có nội dung hướng dẫn chi tiết về cách học theo hệ thống tín chỉ; cần sớm có quy chế hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực nội bộ nâng cao năng lực và tham gia giảng dạy… 

DSC_0037 th Binh

ThS. Đỗ Văn Bình trình bày tham luận

Qua tham luận Đào tạo theo học chế tín chỉ - góc nhìn quản lý và quản trị chất lượng, TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược,Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận việc đào tạo theo học chế tín chỉ không phải là vấn đề mới, tuy nhiên để trả lời câu hỏi nó thực sự là gì, phụ thuộc vào góc nhìn về học chế này. Từ đó, TS. Nguyễn Tiến Dũng đề xuất cần triển khai chuyển đổi đào tạo sang hình thức học chế tín chỉ theo góc nhìn của hệ thống quản lý, quản trị chất lượng. TS. Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, với góc nhìn này “sẽ giúp chúng ta xác định được điểm xuất phát, hành trình đi lên và cách thức đo lường sự thay đổi, đảm bảo sự phát triển bền vững và điều hết sức quan trọng nữa là tạo cho Nhà trường tâm thế luôn sẵn sàng tham gia kiểm định chất lượng quốc gia, khu vực, quốc tế trên con đường xây dựng thương hiệu của mình”.

DSC_0046 th Dung

TS. Nguyễn Tiến Dũng trình bày tham luận

Qua bản tham luận mang tên “Giáo dục khai phóng, ứng dụng tại trường đại học Hoa Sen”, PGS. Bùi Xuân An (Trường Đại học Hoa Sen) chia sẻ một số hoạt động trong đào tạo ở Trường Đại học Hoa Sen có gắn với giáo dục khai phóng như: Sinh viên tự xây dựng lộ trình học của riêng mình dựa trên lộ trình mẫu với sự giúp đỡ của cố vấn học tập; Đa dạng số lượng sinh viên học trong một lớp; nâng cao dịch vụ học tập/ học tập cộng đồng; Chương trình giáo dục tổng quát: Hình thành ở tất cả các ngành đào tạo 3 môn học tự chọn (9 tín chỉ) với các nhóm môn học: Phương pháp và kỹ năng, Giá trị và xã hội, Văn hóa và tư tưởng; Thực tập nhận thức, thực tập đồ án chuyên ngành…

 DSC_0009 toan canh

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Trao đổi ý kiến tại buổi Hội thảo

Sau khi trình bày về lợi ích của đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sự cần thiết về kiến thức thực tế đối với sinh viên Việt Nam, với tham luận mang tên “Mở rộng tính ứng dụng của chương trình đào tạo đại học khi triển khai thực hiện học chế tín chỉ”, PGS.TS.Nguyễn Minh Đức (Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh,Trường Đại học Văn Hiến) cho rằng cần mở rộng tính ứng dụng của các chương trình đào tạo với các điểm chính như: Cần chú trọng tính thực tế và tính đặc thù của trường đại học; xây dựng chương trình đào tạo theo hướng mở và linh hoạt; Tạo dựng môi trường học tập phù hợp, hỗ trợ cho quá trình triển khai thực hiện chương trình đào tạo mang tính ứng dụng; Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Trường đại học cần có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng thường xuyên; Sự chủ động của sinh viên trong việc tiếp cận thực tế nghề nghiệp…

DSC_0059 th Lo

DSC_0081 th Duc

PGS.TS. Nguyễn Minh Đức trình bày tham luận

 Trong bài tham luận “Công tác cố vấn học tập – mắt xích quan trọng giúp đem lại hiệu quả cao trong đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học” của mình, PGS.TS. Phạm Xuân Hậu chia sẻ: “hầu hết những giảng viên được giao nhiệm vụ cố vấn học tập phải đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc, vừa đứng lớp, vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa làm cố vấn học tập, nên việc hoàn thành nhiệm vụ rất khó khăn”. Trước tình hình đó, PGS.TS. Phạm Xuân Hậu kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn, trong đó tập trung vào vấn đề chính là: nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp (lãnh đạo nhà trường, các phòng ban chức năng có liên quan, lãnh đạo các khoa) và của những giảng viên được giao nhiệm vụ làm cố vấn.

 DSC_0082 th Hau

PGS.TS. Phạm Xuân Hậu trình bày tham luận

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) khẳng định: Hội thảo đã quy tụ được những tham luận từ các giảng viên, cán bộ trong và ngoài Trường. Nội dung các bài viết đề cập các vấn đề chung đến các vấn đề cụ thể. Qua đó, tạo cơ hội tốt để trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. PGS.TS.Trần Văn Thiệncũng thaymặt BGH Nhà trường cảm ơn Quý thầy, cô, đặc biệt là những chuyên gia, những nhà quản lý giáo dục ngoài Trường, đã đầu tư tâm huyết, trí tuệ, công sức viết bài cho Hội thảo.

Như vậy, trong không khí đầu Năm mới Ất Mùi, theo truyền thống văn hóa “Khai bút đầu năm”, Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức thành công “Hội thảo về đào tạo theo hệ thống tín chỉ”. Đây là tín hiệu vui cho một năm mới tràn đầy khởi sắc và khí thế mới của Nhà trường.

DSC_0112 trao qua

PGS.TS. Trần Văn Thiện trao kỷ niệm chương cho các diễn giả khách mời

DSC_0116 luu niem

Hội thảo chụp hình lưu niệm

Xuân Tiến

Góp ý