Cựu giáo viên dạy văn 71 tuổi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại ĐH Văn Hiến

line
12 tháng 05 năm 2021

   Xuất thân là giáo viên dạy Văn nhưng cô Phạm Kim Hoàng (SN 1951, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vừa bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường ĐH Văn Hiến khi ở tuổi 71. Với mục tiêu đi học để làm gương cho con cháu, cô phải đi 200km với 6 chuyến xe buýt đến trường, đây thực sự là câu chuyện hy hữu truyền cảm hứng cho giới trẻ về tinh thần học tập suốt đời.

   Cô chia sẻ “Đầu tư cho kiến thức không bao giờ là lỗ vốn, hy vọng mình ham học thì con cháu thấy đó mà quyết tâm hơn”. Dưới sự hướng dẫn khoa học và tận tình của PGS.TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh giảng viên cơ hữu của trường ĐH Văn Hiến, đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang” của cô được thành viên trong Hội đồng đánh giá cao từ số liệu phân tích, cách thức trình bày đến cơ sở lý luận…, cô đã bảo vệ thành công với kết quả 7.4 điểm. Không đơn giản là chinh phục tấm bằng thạc sĩ, đằng sau đó là những điều đáng ngưỡng mộ mà không phải ai cũng có thể làm được như cô. 

Cô Hoàng trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ 
Tấm gương học tập suốt đời cho con cháu
“Con đường đến với chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh là quyết định bất ngờ, mình dạy Văn lâu năm rồi, muốn tìm hiểu lĩnh vực khác để thay đổi không khí, hy vọng với kiến thức học được mình sẽ cố vấn cho con cháu sau này. Do lớn tuổi không rành về công nghệ mà còn xuất thân từ “dân văn” nên việc học các môn kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng những việc này mình đã lường trước được nên vẫn quyết tâm vượt qua, họ làm được thì mình cũng làm được”, cô Hoàng chia sẻ. 
 
Vượt 200km với 6 chuyến xe để đến trường
Mỗi ngày, cô Hoàng phải vượt hành trình 200km với 6 chuyến xe để đến trường
 

Để kịp học lúc 6 giờ chiều, cô Hoàng đón chuyến xe khách từ 2 giờ chiều, xuất phát từ Cai Lậy (Tiền Giang). Đến bến xe miền Tây (TP.HCM), cô tiếp tục bắt chuyến xe buýt số 14 đến đoạn đường Lê Đại Hành (Quận 11, TP.HCM). Từ đó, tiếp tục đón chuyến xe 27 đến trường ĐH Văn Hiến (cơ sở 613 Âu Cơ, Q. Tân Phú).

Cô Hoàng cười nói: “Chuyến xe buýt thân thuộc đưa cô hoàn thành chương trình MBA là số 14 và số 27. Mỗi ngày cô đi về có 200km và 6 chuyến xe. Có những buổi học trễ, xe buýt hết chuyến cô phải đi xe grab ra bến xe miền Tây và đón xe khách về nhà, đôi lúc về đến nhà là 11 giờ tối. Lớp của cô có nhiều bạn ở xa, vướng bận con nhỏ... mà vẫn sắp xếp đi học được. Cô thấy mình vẫn còn thoải mái hơn nhiều. Đã lựa chọn thì phải quyết tâm làm cho bằng được” - Cô Hoàng lạc quan nói.
 
Xem việc học là niềm vui, hạnh phúc
Cô Phạm Kim Hoàng (hàng dưới, bên phải) chụp hình kỷ niệm cùng Hội đồng phản biện Luận văn thạc sĩ 
 
Đôi lúc, cô bị bạn bè “giận” vì phải đi học nên vắng trong những buổi họp mặt. Nhưng cô cho rằng, mỗi người hưu trí có cách sử dụng thời gian rảnh khác nhau. Cô xem việc đi học là niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui sẽ có được hạnh phúc. 
Cô Hoàng tâm sự: “Từ quê lên tới trường thấy mệt lắm, mà đến nơi các cô bảo vệ niềm nở chào đón, các cô tạp vụ cũng hỏi thăm cô đi xa có mệt không. Mấy chuyện đó nhỏ thôi, nhưng cô thấy vui, cảm giác không khí tại trường như một gia đình vậy”. 
Trong quá trình theo học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại ĐH Văn Hiến, điều khiến cô ấn tượng nhất chính là đội ngũ giảng viên. Bởi thầy cô ngoài công việc giảng dạy trên lớp còn đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp, nên kiến thức truyền đạt cho học viên rất thực tế và bổ ích. Những nội dung còn thắc mắc cô sẽ gửi email hoặc điện thoại hỏi thì sẽ giải đáp ngay. Nhưng bên cạnh đó thầy cô cũng rất nghiêm khắc, học ra học mà chơi ra chơi. 
Với đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang” cô Hoàng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của quê hương.
 
Xin một lời nhắn nhủ đến người trẻ cô chia sẻ: “Thực ra mỗi người đều có một lựa chọn khác nhau. Nếu không vì những rào cản mà bắt buộc chúng ta phải dừng lại thì hãy tiếp tục bước tiếp, quyết tâm thực hiện đến cùng. Chỉ cần có ý chí thì khó khăn trước mắt không phải là rào cản ngăn bước chúng ta thực hiện mục tiêu.