Những ngày tháng rong ruổi cùng con chữ khi mắt không còn nhìn thấy đã mang lại kết quả ngọt ngào cho anh em Thơm, Thảo đến từ miền đất võ Bình Định.
Năm học này, Đào Văn Thơm và em trai Đào Tấn Thảo đã chính thức trở thành tân sinh viên Trường Đại học Văn Hiến. Thơm sinh năm 1996, bị khiếm thị 100%, quyết định theo học ngành Piano. Trong khi đó, Thảo sinh năm 2003, với thị lực 2/10, theo đuổi ngành học Công nghệ thông tin vì niềm đam mê bất tận với các môn Khoa học tự nhiên.
Anh trai Đào Văn Thơm đạt giải Nhì Hội thi tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ II năm 2020
Không còn đôi mắt nhưng quyết tâm mạnh mẽ
Gia đình anh em Thơm, Thảo có 6 thành viên, sinh sống tại Bình Định. Trong nhà, chỉ còn bố và chị gái may mắn có đôi mắt sáng, còn mẹ Thơm thị lực 1/10, anh trai đã lập gia đình nhưng cũng chỉ nhìn thấy 2/10, Thảo cũng có thị lực 2/10 nên mọi thứ xung quanh rất mờ nhạt và riêng Thơm là không nhìn thấy gì.
Cuộc sống gia đình là những chuỗi ngày khó khăn nhưng đầy tình yêu thương. Mẹ của anh em Thơm chỉ ở nhà nội trợ, bố đi làm nuôi cả gia đình. Ký ức tuổi thơ của Thơm vẫn còn gìn giữ những hình ảnh đẹp trước năm 10 tuổi, khi mắt em vẫn sáng, vẫn cùng các bạn đến trường.
Mùa hè năm lớp 5, hai mắt Thơm bắt đầu mờ dần. Đoàn từ thiện mổ mắt về địa phương, Thơm đăng ký phẫu thuật nhưng không khả quan. Không còn nhìn thấy gì, cuộc sống quanh em chỉ toàn màu đen. Thơm tạm nghỉ học, ở nhà từ đó. Thời gian đầu Thơm làm quen dần cuộc sống của người khiếm thị. Càng về sau em càng thầy bế tắc, tính khí nóng nảy bất thường hơn.
Tháng 3/2011, người mợ về quê thấy hoàn cảnh Thơm đáng thương liền tức tốc vào lại TP.HCM tìm trường cho em học. Đến tháng 5/2011, một người thầy khiếm thị tên Nguyễn Quốc Phong người sáng lập mái ấm Thiên Ân đã nhận Thơm và tạo điều kiện cho em học kỹ năng sống độc lập, ôn tập lại kiến thức từ lớp 2 đến 4, đồng thời Thơm được các thầy cô giáo dạy cho chương trình lớp 5. Như vậy, sau thời gian 3 năm, Thơm đã cùng các bạn thi chuyển cấp tại một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2014, Thầy Phong tiếp tục nhận Thảo vào mái ấm và tạo điều kiện cho hai anh em theo học lớp 6 tại trung tâm GDTX quận Tân Phú, như vậy hai anh em được học chung trường, chung lớp kể từ đó.
Thơm không còn đôi mắt nhưng còn trái tim với niềm đam mê bất tận với bộ môn Piano
Chia sẻ về niềm đam mê Piano, Thơm cho biết bạn yêu âm nhạc từ nhỏ và rất thích chơi piano. Đến năm 18 tuổi, vì quá mê đàn, mẹ Thơm đã bán đi một con bò và mua cho em cây đàn 18 triệu. “Nghèo thì nghèo, con muốn học hành là phải ráng cho con học”. Câu nói của mẹ càng tạo động lực giúp Thơm theo đuổi con đường học hành tử tế. Kết quả là suốt 3 năm học THPT, anh em Thơm và Thảo đều đạt thành tích học sinh giỏi.
Vẫn cảm thấy may mắn hơn bao bạn bè
Đã từng nộp hồ sơ vào một số trường Đại học khác cùng với chuyên ngành Piano hằng mơ ước, nhưng lại bén duyên với Trường Đại học Văn Hiến khi dự thi các môn năng khiếu được thầy cô trong hội đồng đánh giá rất cao và đã nhanh chóng xác nhận nhập học khi nhận được giấy báo trúng tuyển của trường.
Trải qua nhiều năm học tập, cả Thơm và Thảo nhận ra rằng con đường học tập chính là cánh cửa đến với thành công, với những mục tiêu xa hơn của bản thân. “Đặc biệt, đối với em là một người khiếm thị thì việc học tập là một điều vô cùng quan trọng để em khẳng định được giá trị của chính mình, giúp em có được một công việc ổn định và lo được cho bản thân để không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội”, Thơm bày tỏ.
Nghĩ về hành trình đã qua, Thảo và Thơm luôn cảm thấy biết ơn gia đình và mái ấm Thiên Ân – ngôi nhà thứ hai giúp hai anh em có thể tiếp tục việc học đến tận bây giờ. Mỗi một ngày trong mái ấm, Thơm và Thảo dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, các sơ cùng những người anh, người chị thân thiết cùng thực hiện nhiệm vụ lau dọn nhà cửa, học những kĩ năng sống độc lập như: định hướng di chuyển, nấu ăn,... Các bạn còn được học thêm vi tính, chữ nổi để dễ dàng tìm kiếm tài liệu khi học văn hóa. Để rèn luyện sức khỏe, các bạn được học thêm các môn thể thao như bơi lội, võ, cờ vua.
Em trai Đào Tấn Thảo tự tay cắt tóc cho anh trai Đào Văn Thơm tại mái ấm Thiên Ân
Nói về hoàn cảnh của bản thân, Thơm cho biết mình còn rất may mắn. “Em thấy bình thường lắm. Em nghĩ rằng mình may mắn vì còn có thể được học đến bây giờ, được vào đại học. Vẫn hơn rất nhiều bạn khác không thể đến trường. Thời còn tiểu học, ít ra em còn được nhìn thấy khung cảnh xung quanh, em có thể hình dung chữ viết như thế nào. Khi không còn nhìn thấy gì, em vẫn còn có thể cảm nhận được hơn nhiều bạn sinh ra đã không nhìn thấy”, Thơm chia sẻ.
Hành trình sinh viên còn nhiều mới mẻ, anh em Thơm vẫn chưa thể hình dung hết nhưng phần nào yên tâm nhờ sự động viên của mọi người xung quanh và thầy cô Trường Đại học Văn Hiến. Được tiếp tục học Đại học cùng nhau đã là niềm vui lớn để cả Thảo và Thơm thêm vững bước.
Biết được hoàn cảnh đặc biệt và nghị lực vươn lên của Thơm và Thảo, Quỹ trái tim Hùng Hậu Trường Đại học Văn Hiến quyết định trao học bổng 100% học phí toàn khóa và 01 chiếc laptop cho em Đào Văn Thơm, tặng học bổng 50% học phí toàn khóa cho em Đào Tấn Thảo và 01 chiếc laptop. Thơm và Thảo là hai trong số rất nhiều sinh viên khiếm thị theo học tại Trường Đại học Văn Hiến và được hỗ trợ học phí cũng như dụng cụ học tập.
Với triết lý giáo dục “Thành nhân trước thành danh”, Trường Đại học Văn Hiến luôn thực hiện các chính sách nhân văn đến mọi đối tượng sinh viên đã chọn nơi đây để gửi gắm ước mơ trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Hai anh em sinh hoạt tại mái ấm Thiên Ân