Từ khi tách ra từ khoa Tâm lý xã hội và mang tên Xã hội học hoạt động độc lập đến năm 2008, phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, không chính thức. Chủ yếu là sinh viên phát động hoặc do một giảng viên nào đó chủ trì. Năm 2003 là năm đầu tiên khoa có đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka do Thành đoàn thành phố Hồ Chi Minh tổ chức với đề tài “Tìm hiểu vai trò của phụ nữ trong gia đình ở nông thôn hiện nay”do sinh viên Nguyễn Thị Kim Thảo và nhóm sinh viên lớp 00XH thực hiện với sự hướng dẫn của ThS Lê Sĩ Hải. Tuy vậy, cũng phải đến năm 2008 cho đến nay thì khoa mới thường xuyên có đề tài tham dự ở cuộc thi này.
Năm 2008 sinh viên Xã hội học Văn Hiến có đề tài thứ 2 tham dự eureka với đề tài “Vấn đề nhà ở của sinh viên đang theo học tại Thành phố Hồ Chí Minh” do ThS Lê Sĩ Hải hướng dẫn, sinh viên Nguyễn Thị Hà (lớp 05XH) thực hiện và đạt giải khuyến khích.
Sau đây là một số đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu của sinh viên qua các năm: Hội thảo phương pháp học tập bậc đại học (2005). Phân công lao động trong gia đình nông thôn (2006). Những yếu tố tác động đến mức sống của người dân vùng Đông Nam Bộ (2007). Vấn đề nghèo của người dân vùng Đông Nam Bộ (2007). Việc giảng dạy và học tập của trường đại học Văn Hiến (2005), đây là đề tài cấp trường do ThS Đỗ Văn Bình làm chủ nhiệm đề tài.
Năm 2007 BCN khoa cũng đã quyết định thành lập nhóm nghiên cứu khoa học do khoa trực tiếp quản lý. Sau đó phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên đã có những nét phát triển đáng mừng thể hiện ở việc đề tài “Tìm hiểu thái độ phản ứng của sinh viên đối với chính sách cho vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội” do sinh viên Đinh Văn Long và nhóm sinh viên lớp 05XH thực hiện (2008) đã đoạt giải Ba nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tổ chức với sự hướng dẫn của ThS Lê Sĩ Hải và CN Nguyễn Đỗ Tùng. Tuy nhiên, sau thời gian này cho đến đầu năm 2010, phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên trong khoa mới thực sự đi vào nề nếp, khuôn phép với việc hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 10/07/2010 với 09 đề tài tham gia do các nhóm sinh viên lớp 08X1 thực hiện. Hội thảo lần này đã thu hút sự tham gia của toàn bộ sinh viên lớp 08XH và được chia thành 09 nhóm với 09 đề tài nghiên cứu thực nghiệm khác nhau.
Trong số các đề tài nghiên cứu này, nhà trường đã chọn 01 đề tài tốt nhất gửi Bộ Giáo dục và đào tạo để tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2010 và đã đạt giải Khuyến khích. Đó là đề tài: “Tìm hiểu cuộc sống của người nhập cư bán hàng rong tại thành phố Hồ Chí Minh” do sinh viên Nguyễn Hồng Tâm và nhóm sinh viên lớp 08XH thực hiện với sự hướng dẫn của ThS Lê Sĩ Hải.
Từ khi thành lập đến năm 2008 khoa đã tổ chức tổng cộng 04 hội thảo khoa học sinh viên dưới nhiều hình thức khác nhau. Các đề tài tham gia Hội thảo đã thể hiện được tố chất nghiên cứu và làm Xã hội học của các bạn sinh viên. Với nội dung phong phú, đa dạng phân tích các vấn đề được coi là nóng bỏng hiện nay và được dư luận quan tâm như Vấn đề bạo lực học đường trong học sinh nữ; Cuộc sống của những người chạy xe ba, bốn bánh tự chế sau lệnh cấm lưu hành của Nghị định 32; hay Cuộc sống của những người bán hàng rong tại Tp.Hồ Chí Minh… phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên của khoa Xã hội học đã nhận được đánh giá cao của PGS.TS Hiệu trưởng Nguyễn Mộng Hùng cũng như các phòng ban khác như Phòng Quản lý đào tạo, Ban NCKH*. Các đề tài này đều được viết từ những cuộc khảo sát thực nghiệm tại Tp.Hồ Chí Minh và các địa bàn lân cận với kinh phí được hỗ trợ từ phía Nhà trường. Qua đó cho thấy sự quan tâm thiết thực của trường với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cùng với sự trợ giúp của Ban nghiên cứu khoa học.
Vừa qua, khoa đã thông báo kế hoạch nghiên cứu khoa học lần thứ 6 gồm 04 giai đoạn khác nhau từ giai đoạn ra thông báo kế hoạch đến việc tổng kết… đồng thời để công tác nghiên cứu khoa học sinh viên đi vào nề nếp, khuôn phép và theo định hướng chung về nghiên cứu khoa học sinh của trường. Khoa đã thống nhất một bản quy định về nghiên cứu khoa học sinh viên nhằm đảm bảo những quyền lợi và trách nhiệm của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học. Theo đó, mỗi sinh viên sẽ phải bắt buộc tham gia thực hiện 02 đề tài trong suốt khóa học, các đề tài đoạt giải các cấp từ cấp khoa trở lên sẽ được cộng điểm vào hai môn Phương pháp nghiên cứu xã hội học 2 và Thực hành nghiên cứu xã hội học. Nếu không tham gia hoặc tham gia nửa chừng, không có kết quả sẽ bị trừ điểm của hai môn trên (xem thêm Quy định nghiên cứu khoa học sinh viên khoa Xã hội học).
Suốt từ khi thành lập đến năm 2008, phong trào nghiên cứu khoa học Giảng viên của trường Đại học Văn Hiến hầu như không có. Đến tháng 05 năm 2008, Hội nghị nghiên cứu khoa học cán bộ giảng viên lần thứ nhất được tổ chức, 25 bài viết của 25 tác giả được tập hợp và xuất bản thành cuốn kỷ yếu. Nội san khoa học và đào tạo đại học Văn Hiến cũng xuất bản số đầu tiên vào tháng 11 năm 2009. Đến nay, nội san đã được xuất bản số thứ 3 – tháng 11 năm 2010. Dự định sắp tới nội san sẽ chuyển tên thành Tạp chí khoa học và đào tạo Đại học Văn Hiến. Theo phong trào chung đó, các cán bộ, giảng viên của khoa Xã hội học cũng đã tham gia tích cực và đã có 15 bài viết xuất sắc trong hội nghị nghiên cứu khoa học và nội san khoa học và đào tạo.
Tháng 10 năm 2010, Hội đồng khoa học trường Đại học Văn Hiến cũng đã thông qua đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường do Khoa Xã hội học là đơn vị chủ trì, Thạc sĩ Lê Sĩ Hải làm chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài cấp trường thứ hai mà khoa Xã hội học đảm nhận.
Khoa cũng đã nhận được nhiều giấy khen của Thành đoàn Tp.HCM và Ban giám hiệu nhà trường cho thành tích nhiều lần tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học cho Giảng viên và sinh viên. Đặc biệt, ngày 14 tháng 11 năm 2009, tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Xã hội học cũng đã nhận được Bằng khen của Giám đốc trung tâm Unesco điện ảnh đa truyền thông Việt Nam (thuộc Liên hiệp Unesco Việt Nam) vì những đóng góp cho nhiều hoạt động của trung tâm.
Ngoài các hoạt động liên quan đến học tập và nghiên cứu khoa học. Sinh viên Xã hội còn quan tâm nhiều đến các hoạt động bên ngoài xã hội như làm từ thiện, chăm sóc trẻ mô côi, người già neo đơn… mà cụ thể là thành lập đội Công tác xã hội năm 2007 với 19 thành viên của các lớp 05X1, 06X1 do sinh viên Đinh Thanh Tuyên phụ trách.
Nhóm liên tục có nhiều hoạt động tại các trung tâm, mái ấm, nhà mở…chăm sóc và thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…tham gia các hoạt động nhằm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đội công tác xã hội thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (24/09/1988 – 24/09/2008). Tuy nhiên hiện nay nhóm không còn hoạt động nữa do những hạn chế về số lượng thành viên cũng như khoa gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.
Nguyễn Đỗ Tùng
* Trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 5 của khoa Xã hội học tổ chức ngày 10 tháng 7 năm 2010, PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên ở các khoa là hoạt động đáng quý nhất của nhà trường. Điều này cho thấy sự quan tâm của trường đối với sinh viên và thể hiện được chất lượng đào tạo của trường Đại học Văn Hiến nói chung và của Khoa Xã hội học nói riêng. Với sự đa dạng và chất lượng của các đề tài, các em đã thể hiện được sự nhạy bén với các vấn đề xã hội, điều này sẽ giúp các em rất nhiều cho công việc sau này. Dù mới chỉ là sinh viên năm thứ 2, nhưng các em đã cho thấy là các em đã làm rất tốt công việc của sinh viên năm 3, 4. Tôi rất mong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của khoa Xã hội học sẽ tiếp tục được phát huy nhiều hơn nữa và đóng góp được nhiều cho hoạt động nghiên cứu khoa của trường .