“Hội thảo báo cáo học thuật nhóm ngành Kỹ thuật Công nghệ” – VHUers Kết nối tri thức, định hướng tương lai

line
02 tháng 04 năm 2025

Nhằm tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận sâu hơn với chuyên môn, ứng dụng kiến thức vào thực tế, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức Hội thảo báo cáo học thuật Nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ. Sự kiện không chỉ là cơ hội để giảng viên, sinh viên trao đổi học thuật mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, kết nối doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo.

Hội thảo thu hút đông đảo sinh viên Văn Hiến tham dự

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, chuyên gia và sinh viên đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ. Với tổng cộng 07 bài báo cáo, chương trình đã mang đến những góc nhìn đa chiều về các ứng dụng khoa học, từ công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm thiên nhiên đến lĩnh vực thủy sản.

Hội thảo được chia thành hai đợt báo cáo, mỗi đợt tập trung vào một nhóm chủ đề nghiên cứu khác nhau, phản ánh những xu hướng khoa học quan trọng và có tính ứng dụng cao

Phần 1. Báo cáo tập trung vào đánh giá thành phần dinh dưỡng, ứng dụng nguyên liệu tự nhiên và kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản, gồm:
- Đánh giá thành phần dinh dưỡng của một số loại đậu nảy mầm trồng tại Quảng Bình.
- Nghiên cứu ứng dụng dầu hạt khổ qua (Momordica charantia L.) trong mỹ phẩm thiên nhiên: Tiềm năng và triển vọng.
- Đánh giá hiệu quả của tinh dầu ổi trong phòng trị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra trên cá Điêu hồng (Oreochromis sp).
- Đánh giá tác động của phương pháp trích ly đến hiệu suất và đặc tính của pectin thu hồi từ vỏ chanh dây tím (Passiflora edulis Sims).

ThS. Hồ Lê Anh Hoàng thực hiện bài báo cáo tại "Hội thảo báo cáo học thuật Nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ"

Phần 2. Báo cáo đi sâu vào nghiên cứu ứng dụng pectin và đậu nành trong thực phẩm, với các bài báo cáo:
- Khảo sát khả năng ứng dụng bột pectin thô trích từ phụ phẩm vỏ chanh dây vào sản phẩm mứt chanh dây.
- Trích pectin từ vỏ sầu riêng (Durio zibethinus) và ứng dụng vào công thức kem ít béo.
- Nghiên cứu sản xuất bánh mì bổ sung đậu nành cân bằng dinh dưỡng.

Các nghiên cứu đều hướng đến tận dụng nguyên liệu tự nhiên, gia tăng giá trị kinh tế của phụ phẩm nông nghiệp và tìm ra những giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thực phẩm

Hội thảo không chỉ giúp giảng viên, sinh viên có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình mà còn nhận được sự đóng góp ý kiến từ các giảng viên và chuyên gia, giúp hoàn thiện đề tài theo hướng ứng dụng thực tế. Nhiều báo cáo đã nhận được đánh giá cao về tính sáng tạo, khả năng triển khai trong thực tế sản xuất và ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành.

Các bạn sinh viên tham dự hội thảo tích cực đặt câu hỏi

Sau hội thảo, một số nghiên cứu tiềm năng sẽ được tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô thử nghiệm và tìm kiếm sự hợp tác với doanh nghiệp để đưa vào sản xuất thực tiễn. Đồng thời, chương trình cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa nhà trường với các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ.

Hội thảo báo cáo học thuật mang đến kiến thức, cơ hội để sinh viên mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia và doanh nghiệp, từ đó có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Việc trình bày và trao đổi học thuật giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện và khả năng trình bày những yếu tố quan trọng để thành công trong lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ.

Hội thảo đã khép lại với nhiều giá trị thiết thực, không chỉ đối với sinh viên mà còn với giảng viên và doanh nghiệp. Những nghiên cứu được trình bày tại đây sẽ là tiền đề để phát triển những ứng dụng khoa học công nghệ trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển ngành Kỹ thuật – Công nghệ tại Trường Đại học Văn Hiến.

Trung tâm Thông tin điện tử