Ngày 17/5/2015, tại Hội trường 1004A (Trường Đại học (ĐH) Văn Hiến), chương trình Ngày hội Người khoa Văn lần VIII năm 2015 đã diễn ra trong không khí thân mật, đầy cảm xúc lắng đọng giữa các đơn vị tham gia là Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, Trường ĐHSP TP.HCM, Trường ĐH Thủ Dầu Một.
Là chương trình giao lưu truyền thống thường niên của sinh viên ngành Văn thuộc một số trường ĐH phía Nam, Ngày hội Người khoa Văn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007. Trải qua bảy lần luân phiên tổ chức, ở tuổi lên tám, chương trình đã thật sự tạo được dấu ấn riêng về sự kết nối đầy tự hào của các thế hệ sinh viên Văn khoa.
Cùng với quý Thầy, Cô phụ trách hoạt động sinh viên của các đơn vị, chương trình đã hân hạnh được đón tiếp quý khách mời là quý lãnh đạo các đơn vị: ThS. Nguyễn Quốc Hợp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Thọ - Trưởng khoa KHXH&NV - Trường ĐH Văn Hiến, TS. Đoàn Trọng Thiều – Phó Trưởng khoa KHXH&NV - Trường ĐH Văn Hiến, TS. Nguyễn Hoài Thanh – Trưởng Bộ môn Văn học - Trường ĐH Văn Hiến, Thầy Đinh Công Viễn Phương – Trưởng phòng CTSV - Trường ĐH Văn Hiến, ThS. Đặng Duy Luận – Phó Trưởng khoa Ngữ Văn – Trường ĐH Sư Phạm, TS. Nguyễn Văn Đông - Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Thủ Dầu Một. Bên cạnh đó, chương trình còn đón nhận sự quan tâm và tham dự của một số Thầy Cô khác từ các đơn vị.
Với chủ đề “Và ta tìm thấy nhau”, đơn vị đăng cai năm nay (Trường ĐH Văn Hiến) mong muốn thắt chặt hơn nữa vòng tay giao lưu bè bạn, trao đổi học thuật và phát huy sức sống, tinh thần người khoa Văn. Ngày hội Người khoa Văn lần VIII năm 2015, đã thu hút gần 400 sinh viên đến từ các đơn vị, và đặc biệt còn có sự tham gia của khoảng hơn 50 cựu sinh viên ngành Văn trường ĐH Văn Hiến.
Sau các tiết mục văn nghệ chào sân của bốn đơn vị tham gia là phát biểu khai mạc Ngày hội của TS. Đoàn Trọng Thiều (Phó Trưởng Khoa KHXH&NV - Trường ĐH Văn Hiến). Điểm nhấn trong buổi sáng của chương trình là phần thi học thuật “Góc trời Văn học”. Nét mới trong phần thi tài năng năm nay là mỗi đội dự thi đều là tập hợp thành viên từ 4 trường. Đây là biểu hiện sinh động cho tinh thần giao lưu học học của sinh viên văn khoa.
Tiếp theo hoạt động tham quan các Gian hàng trưng bày học thuật; Không gian thư pháp “Hạ bút hoa bay”; Gian hàng ẩm thực “Khéo tay Người khoa Văn”; Trà đạo; Trò chơi vận động “Trí lực đồng đội” là chương trình Văn nghệ bắt đầu từ 14g cùng ngày. Cũng như mọi năm, đây là hoạt động thu hút sự đón đợi của đông đảo sinh viên. Nếu như ở phần thi học thuật “Góc trời văn học” vào buổi sáng đã cho thấy kiến thức của sinh viên văn khoa thì hoạt động văn nghệ buổi chiều là mảnh đất màu mỡ để những ngôi sao văn khoa thể hiện tài năng nghệ thuật.
Chương trình văn nghệ Ngày hội Người khoa Văn năm nay chứng kiến sự lên ngôi của các tiết mục kịch hóa tác phẩm văn học. Các tiết mục Trích đoạn kịch Tắt đèn, Đoạn tuyệt (Trường ĐHSP TP.HCM); Trăng nơi đáy giếng (Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM); Kiều hầu rượu vợ chồng Hoạn thư, Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trường ĐH Văn Hiến); Chí Phèo (Trường ĐH Thủ Dầu Một) đều là những tiết mục cho thấy sự đầu tư công phu về kịch bản, hóa trang, phục trang và tài năng diễn xuất của người diễn. Nhiều tiết mục khác cũng không kém phần sáng tạo khác như Hát múa Sống như những đóa hoa, Đơn ca Mái đình làng biển, Hát múa Em đi trên cỏ non, Song ca Có phải em mùa thu Hà Nội, Đơn ca Thương ca Tiếng Việt cũng liên tiếp đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt của cả hội trường.
Chương trình Ngày hội Người Khoa Văn lần VIII năm 2015 cũng đã trao 8 suất học bổng vượt khó cho sinh viên. Đây là sự động viên, sẻ chia của thầy trò văn khoa của các trường dành cho các tấm gương vượt lên khó khăn, quyết chí học tập.
Chương trình kết thúc trong cảm nhận về sự chiến thắng của toàn thể sinh viên tham dự. Họ chiến thắng bởi những tài năng được thể hiện, chiến thắng bởi được trải nghiệm những giây phút làm chủ hoạt động của chính mình, đặc biệt, chiến thắng trong những cái nắm tay, những cái ôm đầy cảm xúc gần gũi như chính chủ đề ngày hội. Tiết mục tứ ca nam Đường đến ngày vinh quang với sự góp giọng của bốn “ca sĩ” đến từ bốn trường khép lại chương trình, đồng thời là nút nhấn chờ đợi hoạt động giao lưu của những năm sau, như lời phát biểu của TS. Nguyễn Hoài Thanh: “chủ đề chương trình năm nay là “Và ta tìm thấy nhau” thì năm sau có thể là “Và ta vẫn tìm thấy nhau”, rồi năm sau nữa có thể là “Và ta mãi tìm thấy nhau”…
Chúng ta hãy tiếp tục chuẩn bị cho
Ngày hội Người khoa Văn lần IX tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM.
Sau đây là một số hình ảnh của Ngày hội:










Bài: Xuân Tiến
Ảnh: Cộng tác viên