Nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên trong Hội thảo nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài

line
13 tháng 11 năm 2018

   Với nhiều đề tài tham luận về thực trạng, giải pháp khi xuất khẩu lao động được các diễn giả trình bày trong Hội thảo “Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài” diễn ra tại Trường Đại học Văn Hiến sáng ngày 13/11/2018 đã mang đến nhiều kiến thức thực tế, giúp sinh viên nhìn nhận rõ hơn về việc xuất khẩu lao động.

   PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến nhìn nhận trong những năm qua, Việt Nam ngày càng hội nhập một cách sâu rộng vào thị trường quốc tế, không chỉ về thị trường hàng hóa, vốn, đặc biệt là thị trường lao động.

   Hiện nay, số lao động ở nước ta đang làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới lên đến gần 500.000 lao động. Số lao động này mang về cho đất nước hàng năm trên dưới 2 tỷ USD.
   Chúng ta phải cố gắng ngay từ bây giờ không ngừng nâng cao bằng mọi cách, mọi giải pháp, để gửi đi đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng được những thị trường khó tính; Tập trung tìm những giải pháp chủ yếu hướng đến đào tạo nghề nghiệp và giáo dục các thói quen, để lao động dễ dàng thích ứng với công nghệ kỹ thuật cao, văn hóa của nước sở tại.

   Trước nhìn nhận về việc các cơ sở giáo dục cần làm gì để nâng cao trình độ lao động có tay nghề làm việc tại nước ngoài? Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp chia sẻ “cần xây dựng mô hình gắn kết giữa cơ sở đào tạo giáo dục nghề với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Các em học sinh, sinh viên rất cần thông tin, còn doanh nghiệp rất muốn chia sẻ thông tin, các trường cũng muốn có thông tin chia sẻ cho các em ngay từ đầu khóa học. Từ đó doanh nghiệp có lao động gửi đi, nhà trường có cơ hội đào tạo sinh viên, sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học, nghề học, có cơ hội học tập”. 

   Đồng quan điểm với ông Đào Văn Tiến, ThS. Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Văn Hiến đã trình bày quan điểm của mình trong tham luận rằng “để tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục hãy đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo yêu cầu của thị trường, hay đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Vì họ chính là đối tượng sử dụng “sản phẩm” do chính chúng ta tạo ra. Khi xây dựng chương trình đào tạo cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó mới xác định dạy gì, kiến thức, thực hành ra sao. Quá trình thiết kế đào tạo phải bài bản trên cơ sở chuyên môn của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi mạnh dạn đề xuất ý kiến, hãy đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ nâng cao cả 2 mặt lượng và chất cho tình hình xuất khẩu lao động tại Việt Nam” – Ths Cường nói.

   Trước những thực tế về nhu cầu của xã hội hiện nay, các trường ĐH-CĐ trên cả nước nói chung và Trường Đại học Văn Hiến nói riêng đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp nước ngoài để đưa sinh viên thực tập và làm việc. Sau thời gian thực tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, khi trở về nước các em đã tự tin hơn rất nhiều về khả năng ngoại ngữ, cách làm việc và kinh nghiệm quản lý… mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội. 
Thời gian tới, Nhà trường không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được học tập và làm việc tại nước ngoài. 

   Một số hình ảnh trong Hội thảo: