Tập huấn kinh nghiệm công bố quốc tế

line
14 tháng 12 năm 2018
     Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là mảng công bố quốc tế của giảng viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, sáng ngày 11/12/2018, Trường Đại học Văn Hiến tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Kinh nghiệm công bố quốc tế” - Chiến lược nâng cao nghiên cứu khoa học xã hội với sự tham gia của diễn giả - GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc). Đến dự buổi tập huấn có sự tham dự của Lãnh đạo Nhà trường, Ban chủ nhiệm các khoa, Trưởng các Bộ môn và các giảng viên.

 

Hình ảnh: GS.TS Nguyễn Văn Tuấn chụp hình lưu niệm cùng tập thể giảng viên trường Đại học Văn Hiến

     GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn là nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình được đăng trên các tập san quốc tế, là tác giả và diễn giả của nhiều cuốn sách, seminar về  kinh nghiệm nghiên cứu khoa học (NCKH).  Trong buổi chuyên đề, GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ 3 vấn đề quan trọng:
     1) Tình hình công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam;
     2) Nhận dạng những khó khăn và rào cản trong nghiên cứu và công bố quốc tế;
     3) Chiến lược để nâng cao năng suất nghiên cứu.

Hình ảnh: Ban lãnh đạo Nhà trường và GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

     Theo chuyên gia, công bố quốc tế tại Việt Nam chưa có sự đột phá và còn nhiều hạn chế so với các nước ASEAN. Thống kê cụ thể về số bài báo liên quan đến lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam từ năm 2001 – 2017 có 942 bài, trong khi đó Singapore có 9.287 bài; Malaysia 7.657 bài; Thái Lan 2.507 bài; Indonesia 2.234 bài và Philippines 1.453 bài. Tỷ lệ tăng trưởng về công bố quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, và tất cả lĩnh vực khác nói chung vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, từ năm 2001 – 2017 số lượng bài công bố quốc tế của Việt Nam tăng lên đáng kể từ 5 bài báo năm 2001 tăng lên 160 bài năm 2017. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư vào công bố quốc tế. 

Hình ảnh: Cán bộ Đại học Văn Hiến phát biểu trong buổi tập huấn

     Từ thực trạng cũng như số liệu thống kê, chuyên gia đã trình bày những khó khăn cho việc nghiên cứu KHXH ở Việt Nam xuất phát từ những yếu tố như: Thể chế nghiên cứu, thiếu những nhà nghiên cứu có uy tín tầm quốc tế, phương pháp nghiên cứu còn yếu, các thành kiến của các tập san và chuyên gia bình duyệt đối với các bài NCKH ở Việt Nam, rào cản lớn nhất vẫn là tiếng Anh. Từ đó chuyên gia đã đưa ra các giải pháp như: Tổ chức nhóm nghiên cứu; Hợp tác quốc tế trong NCKH; Nâng cao văn hóa khoa học; Quy định về chia sẻ dữ liệu; Tích cực tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học. 

     Sau những chia sẻ từ chuyên gia, giảng viên, cán bộ Trường Đại học Văn Hiến đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm gửi bài đăng tập san quốc tế, phương pháp nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế, những giải pháp để phát triển NCKH trong Nhà trường - bởi đây là một trong những yếu tố tiên quyết khẳng định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Văn Hiến.
     Hiện nay Trường Đại học Văn Hiến đã, đang xây dựng một số chính sách bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích giảng viên, cán bộ Nhà trường công bố bài báo – nhất là bài báo quốc tế. Hy vọng rằng, qua buổi tập huấn này, cùng với các chính sách sẽ được áp dụng, trong thời gian tới công bố quốc tế của giảng viên Trường Đại học Văn Hiến sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa.