Sáng 12-11-2020, Báo Người Lao Động tổ chức Buổi tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng cắc cần tháo gỡ" với sự tham dự của PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện của gần 30 cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia giáo dục. Trường đại học Văn Hiến vinh dự cùng các đơn vị đồng hành cho chương trình. Đây chính là diễn đàn để lắng nghe và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; là cầu nối giữa các nhà giáo dục, nhà đầu tư giáo dục với các cơ quan quản lý.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết quyền tự chủ đại học đã được Quốc hội luật hóa từng bước, bắt đầu từ gần 10 năm trước, cụ thể là tại Luật Giáo dục đại học năm 2012. Trên cơ sở pháp lý này, hoạt động tự chủ đã được tiến hành có mức độ tại các cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học trong số hàng trăm trường đại học, học viện của cả nước đã được phép thí điểm tự chủ đại học toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.
Kết quả thực tế cho thấy thông qua cơ chế tự chủ giáo dục đại học, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét về nhiều mặt. Bản thân các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ cũng đã có nhiều đổi mới, bứt phá trong giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đầu tư từ các nguồn lực xã hội vào giáo dục cũng tăng nhiều hơn, sôi động hơn. Các trường đại học công lập và ngoài công lập được nâng tầm quản trị, chủ động, sáng tạo, năng động và tăng sức cạnh tranh.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, tự chủ đại học là vấn đề nóng được đề cập rất nhiều trong những ngày gần đây, đặc biệt là khi các văn bản rất quan trọng mới ra đời trong thời gian ngắn. TS Nguyễn Đức nghĩa cho biết quyền tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học (điều 32) gồm: quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. So với Luật Giáo dục đại học 2012, sự minh định về quyền tự chủ đại học đã được thể hiện rõ hơn rất nhiều. Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến tâm huyết tại toạ đàm, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định tự chủ đại học là điểm sáng, không chỉ là xu thế mà còn mang lại lợi ích cho giáo dục đại học Việt Nam. Những ý kiến tại buổi tọa đàm không chỉ là phản ánh những vấn đề thực tiễn ở từng đơn vị mà còn đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách. Bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất. Tự chủ giải bài toán tối ưu trong đó có việc đưa ra quyết định nhanh nhất.
Tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp vào lúc 11h40 sáng cùng ngày.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa lưu niệm cho các đơn vị đồng hành
(Theo Người Lao động)