Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Việc đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Dịch Covid-19 xuất hiện trong năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam. Trước tình hình hiện nay, trước những ảnh hưởng không nhỏ này, trường đại học Văn Hiến và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19, cơ hội và thách thức cho ngành Nông nghiệp, Dệt may – Da giày”. Hội thảo diễn ra thành công tại hội trường Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM vào sáng ngày 25/9/2020.
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của các nhà khoa học, lãnh đạo sở ngành tại TP.HCM cũng như các chuyên gia, giảng viên các viện nghiên cứu các trường đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Mở và ĐH Hoa Sen; các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu khu vực phía nam, Trung tâm thông tin thương mại VCCI TP.HCM.
Tham dự hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM: Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng; về phía Trường Đại học Văn Hiến có TS Từ Minh Thiện – Hiệu trưởng cùng cán bộ nhân viên của 2 đơn vị, các trường đại học và các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung vào việc thảo luận các nội dung về việc thực thi EVFTA trong một số ngành điển hình xuất khẩu nhiều sang EU, nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành nông nghiệp, da giày, dệt may trong thực thi EVFTA, tập trung các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ blockchain để kiểm soát chuỗi cung ứng nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu xuất khầu sang thị trường EU, …. Hội thảo nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các giảng viên gửi bài về cho Ban tổ chức. 05 Bài tham luận đã được BTC lựa chọn trình bày và thảo luận tạo hội thảo. Trường Đại học Văn Hiến có 02 bài tham luận, đó là “Lợi thế của nông sản Việt Nam trong bối cảnh gia nhập EVFTA và Covid-19” của Tiến sĩ Hồ Cao Việt – Phó Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị và “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA): những lưu ý trong lĩnh vực nông nghiệp” của TS Từ Minh Thiện – Hiệu trưởng.
TS Từ Minh Thiện trình bày tham luận tại Hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phân tích, để xâm nhập vào EU hiệu quả, ngành nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết được ba vấn đề chính là xây dựng chuỗi cung ứng nông sản; thúc đẩy ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch và ứng dụng số hóa trong sản xuất - kinh doanh nông sản. “Việc ứng dụng số hóa không chỉ dành cho các doanh nghiệp công nghệ mà có thể đẩy mạnh cho cả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với việc số hóa thông tin, dữ liệu, người trồng có thể kiểm soát được quy trình sản xuất, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nông sản, hàng hóa xuất khẩu sang EU. Về tổng thể, cơ quan quản lý cần phát triển đa dạng hạ tầng thương mại cho nông sản, đồng bộ cả chuỗi cung - cầu giao ngay, giao dịch theo hợp đồng và thị trường giao sau để giúp dự báo thị trường tốt hơn”, Tiến sĩ Từ Minh Thiện nêu giải pháp tại hội thảo.
Ngoài 05 tham luận được báo cáo, Hội thảo còn đón nhận được hơn 10 ý kiến phát biểu của cử tọa đến từ các trường Đại học, các viện nghiên cứu,… Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp vào lúc 12 trưa cùng ngày.
PGS.TS Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Đại học Văn Hiến
