ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HIỆN NAY

line
22 tháng 03 năm 2022

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC

NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HIỆN NAY

                                  Nguyễn Thị Hồng Thủy[1]

TÓM TẮT

Hiện nay, sinh viên được chia theo các khối ngành: khối khoa học tự nhiên, khối khoa học kỹ thuật và khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong bài viết này, tác giả đi sâu vào phân tích việc nâng cao phương pháp dạy - học của giảng viên và sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chất lượng giáo dục là kết quả của rất nhiều yếu tố của quá trình giáo dục đào tạo, trong đó đổi mới phương pháp dạy của giảng viên và phương pháp học của sinh viên là những nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể nói rằng, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên sẽ tác động và ảnh hưởng đến hoạt động học tập của sinh viên rất nhiều, bởi vì đây là một mối quan hệ có sự tương tác hai chiều rất mạnh mẽ, trong đó mỗi bên sẽ đảm nhận những chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhưng đều cùng hướng đến mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung ứng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra và đánh giá là một trong những nhiệm cụ quan trọng hàng đầu trong nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học hiện nay.

Từ khóa: Phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra và đánh giá, giảng viên, sinh viên, chất lượng đào tạo.

  1. Đặt vấn đề

    Việc dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn cũng phải tuân thủ theo quy trình, nguyên tắc của quá trình dạy – học nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khối ngành này cũng có những yêu cầu riêng cho người dạy và người học để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất. Có thể thấy rằng, dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn vừa có tính trừu tượng hóa cao, lại vừa đòi hỏi gắn nó trong tính hiện thức cụ thể của nhiệm vụ, mục tiêu đào tào và triết lý đào tạo của từng ngành học, của khoa, của trường và yêu cầu của thực tế xã hội. Mặt khác tri thức của nhân loại nói chung và tri thức của khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đã có một sự phát triển mạnh mẽ về khối lượng, đa tầng, đa diện và nhiều chiều, không thể có bất cứ một nội dung, một chương trình đào tạo nào có thể chuyển tải hết được. Điều này cho phép nhà trường và khoa đào tạo lựa chọn một lượng kiến thức cơ bản, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đào tạo do nhà trường xây dựng nên. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn, phương pháp kiểm tra và đánh giá trong quá trình đào tạo là một việc làm rất quan trọng. Ngoài ra, vấn đề đổi mới phương pháp dạyhọc hiện nay được xem là vấn đề cốt lõi còn thể hiện ở quan niệm giáo dục đại học hiện nay đó là lấy người học làm trung tâm. Với một khoảng thời gian ngắn từ 3-5 năm ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên không thể tiếp thu và giảng viên cũng không đủ thời gian truyền tải toàn bộ nội dung liên quan của môn học. Chính vì vậy, đào tạo theo hướng người học là trung tâm thì giảng viên chỉ đóng vai trò định hướng và hướng dẫn, quan trọng nhất là hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên để sinh viên chủ động tích cực và sáng tạo trong quá trình học tập ở môi trường đại học.

    Trong bài viết này, đề cập đến vấn đề đổi mới phương pháp dạy-học của giảng viên và sinh viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, tôi xin đề cập đến ba khía cạnh: đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra đánh giá.

    2. Nội dung

  2. 1 Đổi mới phương pháp dạy của giảng viên

    Trước hết, việc dạy học của giảng viên trên giảng đường từ chỗ hoạt động người truyền thụ kiến thức phải trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình nhận thức của sinh viên. Giảng viên không chỉ giới hạn trong việc truyền tải những kiến thức cơ bản mà phải giúp sinh viên mở rộng sự hiểu biết và khả năng tìm tòi, giải quyết được vấn đề một cách độc lập. 

    Liên quan đến đổi mới phương pháp dạy có rất nhiều nội dung, tuy nhiên, trong bài viết này tôi đi vào phân tích hai vấn đề đó là chất lượng của bài giảng hay còn gọi là nội dung giảng dạy và phương pháp truyền tải kiến thức hay còn gọi là cách thức tổ chức và triển khai giảng dạy của giảng viên tại lớp học trong quá trình nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên hiện nay.

    2.1.1 Bài giảng của giảng viên giảng dạy trên lớp

    Đề đánh giá một bài giảng của giảng viên, người ta có thể đưa ra rất nhiều tiêu chí khác nhau, song theo tôi, tiêu chí quan trọng hàng đầu đó chính là mức độ lĩnh hội kiến thức của sinh viên về bài giảng đó. Bởi vì, thông qua bài giảng này, sinh viên có thể tiếp nhận được những kiến thức cơ bản và nền tảng, làm cơ sở cho việc tự học, tự nghiên cứu và nâng cao kiến thức của mình. Ngoài ra, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn tương đối rộng và khá trừu tượng, nếu như sinh viên không nắm được những nội dung cơ bản và cốt lõi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tự học của mình.

    Vì vậy, để bài giảng có thể đáp ứng được tiêu chí theo người học là trung tâm trong quá trình giáo dục đại học hiện nay. Bài giảng cần thể hiện được một vài tiêu chí sau:

     

    + Bài giảng phải truyền đạt được những vấn đề cốt lõi và cần trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc: 

    Muốn như vậy giảng viên phải nắm vững nội dung bài giảng, giải đáp được các thông tin có liên quan đến nội dung truyền tải cho sinh viên.

    + Bài giảng phải có thông tin mới, sâu và bổ ích đối với sinh viên:

    Muốn bài giảng có thông tin mới, giảng viên phải thường xuyên cập nhật tri thức từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nếu chúng ta không thường xuyên cập nhật, sẽ có rất nhiều thông tin truyền tải không còn phù hợp hoặc là không mới đối với sinh viên. 

    + Bài giảng phải khơi gợi được không khí đối thoại trong lớp học, kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của sinh viên: 

    Mỗi giờ giảng thì giảng viên phải dành thời gian cho sinh viên đối thoại thông qua hình thức hỏi-đáp hay tranh luận về các vấn đề mà giảng viên vừa truyền dạy. Thể hiện qua sự đối thoại giữa giảng viên và sinh viên hay giữa sinh viên với nhau. Việc hội thoại còn khiến cho sinh viên luôn tập trung tư tưởng để suy nghĩ về những câu hỏi hay là những vấn đề được nêu ra trong bài giảng, từ đó giúp sinh viên hiểu bài nhanh và sâu hơn. 

    + Một tiêu chí cuối cùng liên quan đến bài giảng đó chính là cách thức truyền đạt: 

    Bài giảng phải được truyền đạt một cách rõ ràng, chuẩn xác ở cả hình thức nói lẫn hình thức viết, thể hiện kỹ năng sư phạm của giảng viên. Ngày nay, sinh viên có rất nhiều thông tin khác ngoài bài giảng của giảng viên như giáo trình, tài liệu tham khảo, vì vậy, trong mỗi bài giảng, giảng viên phải biết lựa chọn những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất, những vấn đề mới cho sinh viên.

    2.1.2 Phương pháp giảng dạy của giảng viên

    Trong quá trình giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, các giảng viên nên vận dụng linh hoạt các kiểu phương pháp giảng dạy khác nhau, trong từng môn, từng đơn vị học trình, thậm chí là từng bài, không nên tuyệt đối hóa bất kỳ phương pháp nào. Cách vận dụng linh hoạt các kiểu phương pháp thể hiện quan việc vận dụng các hình thức giảng dạy của giảng viên hiện nay: thảo luận nhóm, thuyết trình, Xêmina, bài tập cá nhân…Phương pháp giảng dạy còn mang dấu ấn cá nhân. Ngay trong một khoa giảng dạy, cùng giảng dạy một môn khoa học, việc thể hiện phương pháp giảng dạy cũng hết sức đa dạng, linh hoạt. Có những học phần nhiều giảng viên giảng dạy, có giảng viên giảng dạy dễ hiểu, thu hút người học, có giảng viên lại giảng dạy khô khan và khó hiểu. Phải thấy rằng phương pháp giảng dạy của giảng viên ảnh hưởng đến hoạt động học tập và chất lượng học tập của sinh viên rất nhiều.  Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy chính là sự tự học, tự nghiên cứu, không ngừng nâng cao trình độ và hoàn thiện nghệ thuật sư phạm của mỗi giảng viên. 

    Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy đó là phương pháp giảng dạy phải phù hợp với đối tượng người học và quy mô lớp học. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng của quá trình dạy học. Đối tượng dạy học ở các trường đại học là sinh viên, tuy nhiên sinh viên giữa các trường đầu vào cũng không giống nhau và thậm chí ngay trong sinh viên của một trường thì sinh viên ngành này và ngành khác cũng có những nét riêng về nhận thức, tư tưởng, tâm lý mà giảng viên cũng cần phải lưu ý. Muốn đổi mới cách dạy, chúng ta phải đánh giá đúng đặc điểm về trình độ nhận thức, tư tưởng, động cơ học tập hiện nay của sinh viên. Người giảng viên nên dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá đối tượng trước và trong quá trình giảng dạy để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp,

    Như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy của các môn khoa học xã hội và nhân văn phải được bắt đầu từ đổi mới nội dung, chất lượng bài giảng của giảng viên. Nội dung giảng dạy của giảng viên thể hiện qua bài giảng trên lớp phù hợp, tính lý luận và thực tiễn cao, kết cấu chương trình hợp lý sẽ tạo điều kiện cho người giảng viên lựa chọn phương pháp giảng dạy đúng, phù hợp với đặc điểm sinh viên từng lớp, vừa tạo ra niềm say mê, hứng thú nơi người lĩnh hội là sinh viên, giúp sinh viên phát huy được trách nhiệm và vai trò của mình trong quá trình học tập đại học. Sinh viên có thích lên lớp hay không, sinh viên có yêu thích môn học và ngành học của mình hay không, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng và tác động, trong đó yếu tố chất lượng nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy của giảng viên đóng một nhân tố rất quan trọng.

    1. Đổi mới phương pháp học tập của sinh viên

      Có thể nói rằng, phương pháp dạy có mối quan hệ nhân quả với phương pháp học. Nếu chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên mà không đổi mới cách học của sinh viên thì chúng ta chưa giải quyết xong hai vế của mối quan hệ biện chứng dạy-học. Nếu như cách dạy đòi hỏi hiện đại thì cách học cũng phải hiện đại. Cách học hiện đại hiện nay là cách học mang tính tự giác, chủ động, tích cực, hiệu quả, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nếu như phương pháp dạy cũng đa dạng và linh hoạt, phụ thuộc vào từng giảng viên và từng học phần thì phương pháp học cũng rất đang đạng và phong phu. Phương pháp học của sinh viên không phải hình thành từ đầu mà hoàn thiện dần qua từng học phần và từng năm học, thể hiện sự đầu tư và rút từ kinh nghiệm thực tiễn việc học của từng sinh viên

      Theo tôi, sinh viên cần xác định rõ trách nhiệm trong việc học tập, xây dựng những kỹ năng và phương pháp học tập chủ động và sáng tạo. Cụ thể, trong quá trình học tập ở giai đoạn đại học, sinh viên phải hình thành được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để có thể chủ động trong việc học tập. Vì vậy sinh viên nên xác lập một số kỹ năng tự học và tự nghiên cứu sau đây:

      + Trước hết là khâu tự học, tự nghiên cứu ở nhà của sinh viên: 

      Trong khâu này, sinh viên phải thường đọc các giáo trình, tài liệu tham khảo mà giảng viên đã hướng dẫn và giới thiệu. Trong quá trình đọc tài liệu và giáo trình tham khảo, sinh viên có thể lưu ý ghi chú các nội dung chưa hiểu hay đặt các câu hỏi đối với giảng viên khi lên lớp để thông hiểu nội dung tài liệu. Hình thành văn hóa đọc sẽ giúp cho sinh viên trong quá trình tự học tập và tự nghiên cứu rất nhiều.

      + Tiếp theo là khâu học ở trên lớp của sinh viên: 

      Trong quá trình học tập ở trên lớp, sinh viên phải biết cách tiếp nhận được những kiến thức của giảng viên một cách có chọn lọc, học cách học, cách giải quyết vần đề có tính sáng tạo, thường xuyên đối thoại với giảng viên trong quá trình học tập để có thể nắm bắt được những nội dung cối lõi của bài giảng, làm cơ sở cho quá trình tự tìm tòi và sáng tạo, tự mình giải quyết những tình huống mới khi tự học ở nhà mà không có giảng viên bên cạnh.

    2. Đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá sinh viên

      Đổi mới việc kiểm tra và đánh giá học tập các môn khoa học xã hội nhân văn là khâu cuối cùng trong đổi mới dạy và học và bậc đại học. Đối với bất kỳ hoạt động nào thì kiểm tra cũng là việc so sánh, đánh giá những kết quả đạt được trên thực tế, với những kỳ vọng, mục tiêu đã đề ra khi tiến hành hoạt động dạy và học trước đó. Hình thức thi kết thúc các môn học khoa học xã hội và nhân văn hiện nay cũng rất đa dạng cho từng học phần. Giảng viên có thể lựa chọn các hình thức kiểm tra và đánh giá phù hợp với tính chất của từng môn học như thi tự luận, thi vấn đáp và thi trắc nghiệm. 

      Trong phương pháp kiểm tra và đánh giá, với các môn khoa học xã hội và nhân văn, tôi vẫn rất ủng hộ phương pháp thi viết tự luận bên cạnh các phương pháp thi vấn đáp và thi trắc nghiệm nhưng quan trọng là việc ra đề thi nên hướng đến sự thông hiểu và khả năng vận dụng của sinh viên. Giảng viên nên thông báo trước cho sinh viên về các phương pháp kiểm tra, đánh giá ngay từ những buổi đầu của môn học để sinh viên có sự chủ động trong việc chuẩn bị kiến thức và xác định cách học tương ứng. Ngoài ra đề thi nên là đề mở, không có sẵn trong giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo. Cách kiểm tra này đòi hỏi sinh viên phải biết cách xử lý tài liệu, khai thác tối đa ý nghĩa của tài liệu, biết cách biến đổi và cấu trúc lại tri thức để có thể phân tích, đánh giá tài liệu ở nhiều góc độ khác nhau để đi đến kết luận chứ không đơn thuần là sự tái hiện hay sao chép kiến thức trong tài liệu, tri thức từ bài giảng của giảng viên vào bài kiểm tra của sinh viên.  Cách kiểm tra này cũng là hình thức rèn giũa kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, thúc đẩy được tính tích cực, tính tự giác trong học tập, nghiên cứu của sinh viên. Cũng phải nói rằng, hình thức ra đề thi này mất khá nhiều công sức, trí tuệ của giảng viên vì việc chấm thi cũng mất khá nhiều thời gian và khó khăn hơn, nhưng quan trọng là hình thức thi này sẽ hạn chế việc quay cóp, gian lận trong thi cử, giúp giảng viên xác định được chính xác kết quả học tập của sinh viên, rèn luyện cho sinh viên cách học sâu, tăng cường khả năng lập luận diễn đạt, khả năng tiếp nhận, chuyển hóa tri thức của sinh viên.

      Ngoài ra, một sự đổi mới trong đánh giá kiểm tra kết quả học tập của sinh viên ở bậc đại học đó chính là gia tăng tần suất của sự đánh giá. Trong quá trình học, sinh viên cần phải có sự phản hồi về những kiến thức mà mình thu nhặt được để giảng viên kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy, sinh viên kịp thời cải tiến, điều chỉnh về cách học. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, tùy thuộc vào từng học phần, giảng viên có thể tiến hành nhiều hình thức kiểm tra đánh giá ở nhiều giai đoạn khác nhau. Đối với sinh viên đại học, nếu giảng viên chỉ có một bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ một cách cố định thì sinh viên dễ rơi vào tình trạng lơ là, tâm trạng không có gì quá vội vàng, chỉ đến khi nào có kỳ thi mới tập trung vào học và ra sức nhồi nhét kiến thức, Để khắc phục tình trạng này, ở cột điểm giữa kỳ, giảng viên nên chia ra thành những bài kiểm tra nhỏ bằng cách tổ chức các hình thức kiểm tra khác nhau như bài thảo luận nhóm, bài thuyết trình, bài tham quan thực tế, bài cá nhân, các bài tập tình huống…Thực hiện theo cách này, sự tương tác và việc đánh giá quá trình học tập của sinh viên sẽ diễn ra thường xuyên, giúp giảng viên và sinh viên kịp thời đánh giá và điều chỉnh lại phương pháp dạy, phương pháp học của chính mình.

      Đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá mặc dù là khâu cuối cùng song đó chính là khâu có những thông tin phản hồi thiết thực để định hướng, điều chỉnh trong các khâu khác của quá trình đào tạo đại học. Khâu này không thực hiện tốt, theo định hướng của hai khâu phương pháp dạy và phương pháp học thì sự đổi mới để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn sẽ khó đạt được hiệu quả và mục tiêu đào tạo của nhà trường.

  3. Kết luận

Đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra đánh giá các môn khoa học xã hội và nhân văn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Hiện nay, mục tiêu của việc đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra đánh giá là giúp người học phát huy được vai trò trung tâm của mình. Bởi vì lượng tri thức của nhân loại tăng lên không ngừng mà thời gian học tại trường đại học chỉ có một khoảng thời gian nhất định.Vì thế , nhà trường đại học và cụ thể ở đây là giảng viên giảng dạy chỉ có thể và chỉ nên dạy cho sinh viên cách tự học, tự mình lựa chọn thông tin, phân tích, lý giải vấn đề, tự mình tìm tòi, khám phá và sáng tạo, có thể vận dụng các kiến thức đã được học vào giải quyết những công việc cụ thể và sẽ tiếp tục bồi dắp kiến thức sau khi ra trường để tham gia vào các lĩnh cực công việc, cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội. Để có thể đổi mới thành công phương pháp phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra đánh giá các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần sự nỗ lực và phối hợp thật tốt giữa giảng viên và sinh viên, ngoài ra còn là sự hỗ trợ của nhà trường thể hiện qua các chính sách, kế hoạch đào tạo, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học hiện nay. Tất cả sự đổi mới nêu trên nếu thực hiện tốt sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo của sinh viên khối ngành khoa học xã hội nhân văn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, phục vụ được mục tiêu học tập suốt đời với tiêu chí sinh viên là trung tâm hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hải Bình (2015). Đổi mới phương pháp dạy học ở bậc đại học.

    Https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-o-daihoc-1425317523.htm, ngày 28/07/2019.

  2. Lưu Xuân Mới (2000). Lý luận dạy học đại học. Nhà xuất bản giáo dục.
  3. Nguyễn Văn Mỹ (2014). Đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Http://www.siu.edu.vn/vi-VN/tham-luan/doi-moi-phuong-phap-giang-day-o-daihoc/820/5581, ngày 28/07/2019.
  4. Nguyễn Hồ Phương Nhật (2018). Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong dạy học học phần “tuyển dụng nhân lực” tại trường đại học nội vụ hà nội phân hiệu Quảng Nam. Tạp chí Giáo dục, số 426, tháng 3/2018, trang 58-62.
  5. Phạm Mạnh Hà (2001). Đổi mới phương pháp giảng dạy dại học. Báo giáo dục và thời đại, số 144 (21/1/2011), trang 1 và trang 4.
  6. Phạm Mạnh Hà (2002). Ảnh hưởng của phương pháp giảng dạy của giáo viên tới hoạt động học tập của sinh viên trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, đề tài NCKH cấp trường, mã số T12-2001.
  7. Trần Thị Thái Hằng (2016). Đổi mới phương pháp dạy học và học theo chương trình tín chỉ. Http://ctv.vtv.vn/cdthhn/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=309, ngày 31/07/2019.

 



[1] ThS, Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến.