Xã hội học

line
14 tháng 04 năm 2021

Bộ môn Xã hội học, tiền thân là Khoa Xã hội học được thành lập ngay từ khi thành lập Trường Đại học Văn Hiến. Hiện nay, Bộ môn Xã hội học trực thuộc Khoa Xã hội –Truyền thông - Trường Đại học Văn Hiến. Bộ môn có 04 cán bộ, giảng viên cơ hữu gồm: 01 Phó Giáo sư - Tiến sĩ và 03 Thạc sĩ. Tất cả cán bộ, giảng viên luôn ý thức rèn đức luyện tài thể hiện qua việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên đều có bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành; và có nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ được đánh giá cao, phục vụ tốt cho việc dạy học và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng, vị thế của khoa/ nhà trường; Bộ môn Xã hội học còn mời nhiều giảng viên thỉnh giảng có học hàm học vị, kinh nghiệm chuyên môn lẫn thực tiễn từ các trường đại học hàng đầu trong cả nước.

Danh sách cán bộ, giảng viên cơ hữu bộ môn Xã hội học:
1. ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy - Trưởng bộ môn
2. PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến – Giảng viên
3. ThS Nguyễn Đỗ Tùng – Giảng viên
4. ThS Nguyễn Thị Minh Giang - Giảng viên
Trong công tác đào tạo, Bộ môn Xã hội học - Trường Đại học Văn Hiến - đã có một bề dày lịch sử, thành quả đáng tự hào. Bộ môn đã đào tạo cho xã hội gần 700 cử nhân có chuyên môn, tay nghề cao. Đến với ngành Xã hội học trường Đại học Văn Hiến, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về lý luận, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu những quy luật và hiện tượng xã hội. Ngoài ra, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng, thực hành nhận diện, phân tích các định chế, hiện tượng, sự kiện xã hội, sự vận hành của xã hội và những tác động của chúng đến hành vi con người và đời sống xã hội.
Hiện nay, bộ môn Xã hội học đang đào tạo ba chuyên ngành sâu: Xã hội học về truyền thông báo chí, Xã hội học về quản trị tổ chức xã hội và Công tác xã hội. Đây là ba chuyên ngành học rất thiết dụng trong cuộc sống hiện đại và phù hợp với mọi đối tượng vì có khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sinh viên có một công việc tốt, đúng chuyên môn sau khi ra trường, ngoài việc học trên lớp, Bộ môn Xã hội học còn hướng trọng tâm vào thực hành kỹ năng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã thiết lập các mối quan hệ với các trung tâm nghiên cứu, trung tâm bảo trợ xã hội, các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận giúp sinh viên có được những địa chỉ thực tế, thực tập nghề nghiệp đáng tin cậy. Song song với việc thực hành kỹ năng nghề nghiệp là hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học, nhiều nhóm, cá nhân là sinh viên của ngành Xã hội học đã đạt các giải thưởng nghiên cứu khoa học Euréka và cấp bộ; đồng thời, rất hăng say, nhiệt huyết trong các phong trào đoàn, hội. Qua đó, sinh viên tự mình rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, hình thành và phát triển nhân cách, thích ứng tốt với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường.
CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP
- Làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng: Làm phóng viên, biên tập viên tại cơ quan báo chí, Đài phát thanh, truyền hình; nhà xuất bản; các tổ chức chính trị - xã hội - đoàn thể có liên quan đến thông tin, truyền thông; tổ chức sự kiện.
- Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý: Điều hành các tổ chức dân sự; Quản trị các dự án đầu tư xã hội; Quản trị nhân sự; Quan hệ khách hàng; Thống kê; Bán hàng và quản lý khách hàng.
- Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn: Nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển bền vững; Nghiên cứu thị trường; Nghiên cứu và tư vấn truyền thông, quảng cáo; Điều tra dư luận xã hội.
- Làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và phục vụ con người: Làm điều phối viên, chuyên viên cho các quỹ phát triển, hoạt động tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện; Làm nhân viên công tác xã hội, phát triển cộng đồng.
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính công: Làm chuyên viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp (văn hóa, lao động, dân số, giáo dục, y tế, thống kê, dân tộc, dân vận, tuyên giáo), cơ quan Đảng và đoàn thể, cơ quan an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.
- Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; Giảng dạy, tập huấn các khóa ngắn hạn cho các tổ chức, cộng đồng có nhu cầu; Làm chuyên viên nghiên cứu tại các trung tâm, viện nghiên cứu về các lĩnh vực xã hội khác nhau.
Qua hơn hai mươi năm hình thành và phát triển, Bộ môn Xã hội học - Khoa Xã hội – Truyền thông - Trường Đại học Văn Hiến không ngừng phát huy triết lý giáo dục của nhà trường: Thành nhân trước thành danh. Chính điều này đã giúp Bộ môn Xã hội học không chỉ chiếm được niềm tin yêu của bao thế hệ sinh viên mà còn đáp ứng được niềm mong mỏi của toàn xã hội.