Khóa bồi dưỡng kiến thức & kỹ năng nghiên cứu khoa học

line

Nghiên cứu khoa học (NCKH) và đào tạo là hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trong một trường Đại học. Trong đó, hoạt động NCKH góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và phát triển Trường. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên và nhận thấy thực trạng NCKH của giảng viên trong Trường, trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng NCKH năm 2014. Khóa bồi dưỡng này kéo dài từ ngày 15/09/2014 đến hết ngày 31/10/2014.

Khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng NCKH bao gồm 07 chuyên đề, trong đó có một số chuyên đề đi sâu vào “chuyện nghề” của hoạt động NCKH như: Phương pháp thực hiện một đề tài nghiên cứu (chọn đề tài, xây dựng đề cương, lập kế hoạch nghiên cứu); Phương pháp viết bài báo khoa học và kinh nghiệm công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành; Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định lượng; Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính; Các chuyên đề về khối ngành KHXH và NV,…

Bắt đầu khóa bồi dưỡng là chuyên đề Phương pháp lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương và lập kế hoạch nghiên cứu khoa học do PGS. TS. Nguyễn Minh Đức – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trình bày. PGS.TS. Nguyễn Minh Đức là người từng có nhiều năm học tập, nghiên cứu và làm việc tại các nước phát triển, và cũng đã tham gia nhiều đề tài khoa học, do vậy bên cạnh những kiến thức cơ bản mang tính lý thuyết, PGS còn cung cấp thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu của mình.

Tiếp nối là chuyên đề Phương pháp viết bài báo khoa học và kinh nghiệm công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành. Qua chuyên đề này PGS.TS. Đinh Phi Hổ - Phó tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM đã trình bày một số vấn đề cụ thể như: Cấu trúc bài báo khoa học, viết kết quả nghiên cứu, trích dẫn tài liệu cũng như các kinh nghiệm trong việc chọn tạp chí, đứng tên bài báo khoa học,… Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc viết bài báo khoa học đăng trong các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, do vậy, buổi nói chuyện PGS.TS. Đinh Phi Hổ thực sự cung cấp cho giảng viên những kinh nghiệm rất thực tế, bổ ích. Cũng trong buổi chuyên đề này, PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến đã cung cấp thêm một số thông tin về Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến.

PGS.TS. Đinh Phi Hổ - Phó tổng biên tập Tạp chí PTKT, Trường ĐHKT Tp.HCM

Đi sâu hơn, và cũng để cụ thể hóa một số vấn đề được gợi mở từ các chuyên đề trước là 02 chuyên đề Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định lượng và chuyên đề Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính. Trong đó, chuyên đề Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định lượng (do PGS.TS. Lê Thanh Sang - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) đề cập đến những vấn đề như: Phương pháp xây dựng bảng hỏi điều tra; Phương pháp điều tra thực địa bằng bảng hỏi; Xử lý thông tin bảng hỏi bằng phần mềm SPSS; Đọc kết quả xử lý bằng SPSS và trình bày kết quả nghiên cứu… Còn chuyên đề Phương pháp thu thập và xử lý thông tin định tính (do PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến - Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH Bình Dương) lại tập trung trao đổi và chia sẻ những tình huống thiết thực trong quá trình nghiên cứu như vấn đề thiết kế, thu thập và cách thức xử lý thông tin bằng bảng hỏi phỏng vấn sâu, bằng phương pháp quan sát; Phân tích và xử lý thông tin từ các tài liệu có sẵn (phân tích tư liệu tổng hợp)…

PGS.TS. Trần Thị Kim Xuyến - Trưởng khoa Xã hội học, Trường ĐH Bình Dương 

Không dừng lại ở việc cung cấp phương pháp nghiên cứu, Khóa bồi dưỡng còn cung cấp cho các giảng viên những kinh nghiệm trong việc bảo vệ kết quả nghiên cứu - “tài sản” của mình. Đây cũng là vấn đề mang tính thời sự trong hoạt động NCKH của Việt Nam thời gian gần đây. Do nhận thấy được “sức nóng” nên chuyên đề Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu – giảng dạy (do Luật sư, ThS. Hoàng Tố Như - Chuyên gia Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM) đã thu hút khá nhiều giảng viên trong Trường đến tham dự. Trong nội dung trình bày, chuyên gia Hoàng Tố Như đã trình bày một số thông tin trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu; Các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện bảo hộ và thủ tục đăng ký; Quyền đăng ký và khai thác kết quả nghiên cứu… Buổi báo cáo diễn ra với nhiều câu hỏi được đặt ra cũng như phần giải đáp cởi mở, chân tình của chuyên gia Hoàng Tố Như.

Luật sư, ThS. Hoàng Tố Như - Chuyên gia Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM

Tuy phần lớn các chuyên đề đều được tổ chức vào ngày cuối tuần nhưng nhiều giảng viên vẫn tham dự khá thường xuyên, đầy đủ. Điều này phần nào nói lên được nhu cầu của giảng viên cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của Khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng NCKH. Chính vì thế, TS. Nguyễn Tấn Bình - Phó Hiệu trưởng đã đánh giá cao việc tổ chức khóa bồi dưỡng, đồng thời biểu dương tinh thần của giảng viên các khoa, cán bộ nhân viên các phòng ban trong việc tham dự khóa bồi dưỡng này. 

Không khí tại một buổi báo cáo chuyên đề

Như vậy, cùng với việc tổ chức khóa bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm cho các giảng viên trẻ thì đây là lần thứ hai trường ĐH Văn Hiến tổ chức các khóa bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giảng viên, cán bộ trong Trường. Hy vọng cùng với việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng NCKH, hoạt động NCKH của Gv sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

 Phòng Quản lý Khoa học

Góp ý