Sáng ngày 12/6/2015, tại Hội trường 1004A, Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai đề tài các cấp: thực tế và kinh nghiệm”.Nhằm trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến từ các đơn vị đã nhiều năm triển khai đề tài các cấp, lắng nghe ý kiến của các giảng viên để xây dựng cơ chế, chính sách trong việc triển khai đề tài các cấp, từ đó nâng cao nhận thức, năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên trong Trường, trường Đại học Văn Hiến tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai đề tài các cấp: thực tế và kinh nghiệm”.
Đến dự buổi tọa đàm, có Ban Giám hiệu trường Đại học Văn Hiến, các giảng viên cơ hữu, Trưởng/Phó các đơn vị trong Trường Đại học Văn Hiến cùng các khách mời: ThS. Phạm Văn Xu (Phó trưởng phòng QLKH, Sở KH&CN TP.HCM), ThS. Đoàn Kim Thành (GĐ Trung tâm KH&CN Trẻ, Thành Đoàn TP. HCM), PGS.TS. Bùi Văn Miên (Trưởng phòng QLKH Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), ThS. Đặng Thanh Thúy (Phó trưởng phòng QLKH&DA Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM), TS. Bạch Long Giang (Trưởng phòng QLKH Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), TS. Nguyễn Thanh Phương (Phó Trưởng phòng QLKH&ĐTSĐH Trường ĐH Hutech TP.HCM).

PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) phát biểu
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) khẳng định: cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học là trọng trách của giảng viên. Trong những năm trở lại đây, tình hình nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trường Đại học Văn Hiến đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định. Buổi tọa đàm là cơ hội để các bên có liên quan chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học của giảng viên trường Đại học Văn Hiến.

Toàn cảnh của buổi tọa đàm
Trong phần chia sẻ của mình, ThS. Phạm Văn Xu (Phó trưởng phòng QLKH, Sở KH&CN TP.HCM) đã cập nhật các thông tin, chủ trương và định hướng về triển khai đề tài cấp của TP.HCM. Bên cạnh đó, ThS. Phạm Văn Xu cũng điểm qua tình hình đăng ký thực hiện đề tài cấp thành phố của các trường ĐH trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, quy trình đăng ký thực hiện đề tài mà ThS. Phạm Văn Xu giới thiệu đã nhận được sự quan tâm của nhiều quý thầy cô tham dự buổi tọa đàm. Sau khi giới thiệu thông tin về Chương trình Vườn ươm của TT KH&CN Trẻ, Thành Đoàn TP. HCM, ThS. Đoàn Kim Thành (GĐ TT KH&CN Trẻ, Thành Đoàn TP. HCM) cũng chia sẻ về chủ trương khuyến khích tham gia nghiên cứu đề tài hưởng ứng sáu chương trình trọng điểm của thành phố.

ThS. Đoàn Kim Thành (GĐ TT KH&CN Trẻ, Thành Đoàn TP. HCM) phát biểu
Trong phần chia sẻ kinh nghiệm từ các trường bạn, TS. Bạch Long Giang (Trưởng phòng QLKH Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng cần đầu tư nội lực (xây dựng các nhóm nghiên cứu tiềm năng) và đầu tư cơ sở vật chất (trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu). ThS. Đặng Thanh Thúy (Phó trưởng phòng QLKH&DA Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) khẳng định sự quan trọng của công tác quy hoạch nghiên cứu, cần có cơ chế chính sách phù hợp để mời các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hướng dẫn nghiên cứu cho lớp cán bộ trẻ.

TS. Bạch Long Giang (Trưởng phòng QLKH Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) phát biểu
Đồng quan điểm với ThS. Đặng Thanh Thúy, trong phát biểu của mình, PGS.TS. Bùi Văn Miên (Trưởng phòng QLKH Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) nhấn mạnh đến tính quy mô của các công trình nghiên cứu. Khi đăng ký đề tài, các giảng viên cần xác định năng lực nghiên cứu của mình phù hợp với cấp sở hay cấp bộ. Điều này sẽ giúp đề tài của mình dễ được duyệt hơn, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện đề tài sau này.

ThS. Đặng Thanh Thúy (Phó trưởng phòng QLKH&DA Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) phát biểu.
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Văn Thiện (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến) một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học tại môi trường đại học. Kết quả của buổi tọa đàm sẽ là tiền đề, tạo nên cú hích mạnh mẽ cho phong trào nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Văn Hiến.
Xuân Tiến