“1001 chuyện” về Cô giáo Khoa Văn – “Nữ quàng Đì va giáo huấn”

line
09 tháng 08 năm 2021
Mái tóc ngắn, thân hình nhỏ nhắn cùng với nhiều biệt danh không thể nhầm lẫn vào ai như “Mỹ nữ yếu đuối”, “Nữ quàng - Đì va giáo huấn”, cô Mai Trinh Trưởng bộ môn Văn học đã không còn xa lạ với cựu sinh viên cũng như sinh viên khoa Xã hội & Truyền thông, đặc biệt là sinh viên ngành Văn học. 

Nhắc về cô, sinh viên ngành Văn học sẽ có 1001 câu chuyện kể, hãy cùng khám phá điều gì làm nên sức cuốn hút của “nữ quàng” đặc biệt này nhé.
 
Dù buồn hay vui, bài giảng của cô vẫn luôn sinh động như cách mà cô phối đồ vậy
Khi được hỏi về Cô Mai Trinh, bạn Cao Quốc Di – sinh viên năm 3 ngành Văn học – Truyền thông cho rằng phải kể một ngày vẫn chưa hết về “nữ quàng” này.
Mình đã theo học Cô xuyên suốt rất nhiều môn có thể nói là mình bị “ghiền” Cô mất rồi! Từ tất cả mọi thứ: tính cách, cách dạy, hay khả năng truyền đạt Cô đều hay. Nhưng cái mà mình “ghiền” Cô nhất là Cô “hót” rất ư là tuyệt vời. Cô như một Diva của lớp học vừa dạy vừa hát, mang đến một thế giới giao hoà tuyệt vời giữa âm nhạc và học thuật, đó là một cách dạy nghệ thuật theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. 
Tuy nhìn khá nhỏ nhắn nhưng Cô lại mang một màu sắc không pha lẫn vào đâu, màu nào ra màu đó, dù lúc buồn hay vui thì bài giảng của Cô cũng sinh động và vui tươi như cách mà Cô phối đồ vậy (gam màu tươi roi rói, đẹp mắt và có thể nói là cả một mùa xuân trong Cô luôn trỗi dậy). 

Vẫn chưa hết đâu, Cô sẽ “xử trảm” những sinh viên sai lệch về tư duy học thuật, dù rất thương học trò của mình và cô từng nói “Ai đụng vào học trò của mình là Cô sống chết với họ luôn!” nhưng không vì thế mà Cô thiên vị, Cô sẽ không bao giờ nương tay khi bạn mắc phải sai lầm.
Cô để đời bằng những câu danh ngôn do chính mình nói ra “Cô sinh ra trước tụi bây hai chục năm đâu phải để ăn cơm mà là để đọc sách (để yêu)!” “đừng hòng qua mặt”, hoặc “Biết thì nói, không thì đừng nói” “Yêu 100 người, chọn 50 người, lấy 1 người” (chứ không phải “Yêu 50 chọn 10 lấy 1” đâu nhé!) vậy nên Khi thất tình thì xé nháp nó đi, chúng ta có 100 lần để xé mà”… 

Cô rất hay trêu đùa sinh viên của mình bằng những câu nói rất Tây, cụ thể ở đây là rất Miền Tây rặc, mặc dù cô là người Miền Trung, Cô lại thích Vietsub ngôn ngữ mỗi khi tương tác với sinh viên.  

Cô mang một phong cách rất Tây nhưng truyền thống, Cô thích lý thuyết phương Tây, thích “du” bên Tây, vì vậy từ phong thái đến lời nói có vẻ lạ lạ mà quen thuộc.
 
“Mỹ nữ yếu đuối” của Khoa Văn
Đối với bạn Cao Quốc Di, Cô là “Nữ quàng – Đì va giáo huấn” thì bạn Lê Hữu Nhật Duy – sinh viên năm 2 ngành Văn – Sư phạm lại đặt cho Cô biệt danh “Mỹ nữ yếu đuối”. 
Điều ấn tượng đầu tiên đối với mình đó là lượng kiến thức dồi dào mà Cô truyền đạt, nhưng trong lúc dạy Cô thường mắc một lỗi mà sinh viên ai cũng thích đó là Cô thường "dắt lớp bay xa xa". Khi nhập tâm và cao hứng, từ một vấn đề nhỏ trong tác phẩm Cô có thể ví dụ ra khắp năm châu bốn bể, đến khi ý thức được điều đó thì...Cô quên mất câu chuyện lúc bắt đầu. Tuy nhiên, chính việc này giúp mở mang cho sinh viên rất nhiều kiến thức bổ ích. 

Mình hay chọc Cô là “mỹ nữ yếu đuối” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một cái máy lạnh, một thoáng hương hoa sữa hay một giọt nước hoa cũng có thể khiến Cô “gục ngã” bởi Cô dị ứng với mùi hương. Bên cạnh đó, nếu không tiếp xúc nhiều thì có lẽ bạn sẽ cho rằng Cô rất khó tính, khô khan,...Nhưng, ẩn sâu bên trong lớp "vỏ" ấy là tâm hồn của một "thiếu nữ" luôn nhạy cảm với từng sự chuyển động dù là nhỏ nhất của thế giới xung quanh. Phải nói rằng, Cô là một người rất giàu cảm xúc, và, với ba chữ "Người Khoa Văn", dù ngắn nhưng đủ cô đọng để hiểu được MỘT Cô Mai Trinh mà chúng ta yêu quý.
 
Chúng mình không chỉ là sinh viên, mà còn là “Đàn gà con của mẹ”
“Mỗi ngày Trinh chọn một niềm vui” đó là câu hát mà chúng mình thường nghe khi đến tiết học của CôCô rất yêu thương học trò, biệt danh Cô hay gọi chúng mình đó là “ôi, đàn gà con của mẹ” hoặc “bầy con của mom”, rất đỗi thân thương. 

Cô là người hài hước và thường hay giỡn với sinh viên. Tuy nhiên, điều đó không tỷ lệ thuận với việc Cô dễ tính, vào việc học thì sẽ đâu ra đó, ngô ra ngô và khoai ra khoai. Cô đặc biệt từ trong cách dạy đến phong cách ăn mặc, trang phục đến trường mỗi ngày của Cô đều phải “tông xuyệt tông” từ áo dài, túi, giày đến băng đô cài tóc. Nếu vào Khoa Xã hội & Truyền thông mình nghĩ một trong những giảng viên bạn nên đăng ký học đầu tiên là Cô Mai Trinh, Quách Tấn Khôi – sinh viên năm 3 ngành Văn học chia sẻ. 
 
Cô là người vui tươi, hài hước nhưng rất nguyên tắc
Ngoài những điều vui tươi, hài hước Cô còn là người rất nguyên tắc và khi đã đưa ra những “quy định” thì thường sẽ không chấp nhận những lí do Học với Cô rất vui nhưng điều kiện tiên quyết là bạn phải hoàn thành bài vở đúng hạn. 
 

Kiến thức của Cô phong phú, vì thế mỗi khi giảng Cô hay dặn sinh viên là hãy kéo Cô về nếu Cô đi quá xa nhưng tụi mình thường để Cô tự về bởi những câu chuyện Cô kể có sức lôi cuốn mãnh liệt. Trong các học phần Cô đứng lớp, Cô thường mời các anh chị khóa trước về để giao lưu truyền đạt kinh nghiệm cho sinh viên khóa sau. Mình cảm thấy vô cùng may mắn khi trở thành học trò của Cô. Đây là chia sẻ của bạn Hoàng Phượng Thanh Hương – Sinh viên K17 ngành Văn học.
Nếu trở thành sinh viên Văn Hiến thì sẽ không khó để bạn có thể được học những Thầy Cô luôn tâm huyết với học trò của mình như Cô Mai Trinh. Chân thành cảm ơn những chia sẻ của các bạn ngành Văn học. Với phương châm đào tạo “Thành nhân trước thành danh” CBNV của Nhà trường không chỉ chuẩn bị cho các bạn hành trang kiến thức mà còn là người nâng bước bạn trưởng thành hơn mỗi ngày, để khi kết thúc quãng đời sinh viên, bạn sẽ đủ tự tin để “vươn ra biển lớn”.