SỬ DỤNG CA DAO TỤC NGỮ VÀO GIẢNG DẠY HỌC PHẦN VĂN HIẾN VIỆT NAM

line
22 tháng 03 năm 2022

Sử dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam

ThS. Trần Thị Lợi

Tóm tắt

Học phần Văn hiến Việt Nam là học phần bắt buộc học đối với sinh viên tất cả các ngành thuộc trường Đai học Văn Hiến. Tuy nhiên, hiện nay học phần này chưa thu hút sự quan tâm đúng mức từ phía người học. Một mặt do đây là môn đại cương nên sinh viên thường có tâm lý xem nhẹ, mặt khác do cách dạy và học hiện nay chưa thực sự phát huy tính chủ động, tích cực của người học…Vì vậy, cần đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức dạy học để người học hào hứng, tích cực hơn với môn học. Nhằm giúp sinh viên chủ động, tích cực tham gia vào giờ học, trong quá trình giảng dạy chúng tôi thường lồng ghép một số câu ca dao, tục ngữ có nội dung phù hợp để đưa vào bài giảng của các môn học, điển hình như học phần Văn hến Việt Nam. Việc sử dụng, ca dao tục ngữ trong dạy học phần Văn hiến Việt Nam đã thu hút được kết quả rất khả quan, các em tích cực đóng góp ý kiến, chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và lĩnh hội kiến thức, đặc biệt các em hào hứng hơn với môn học.Vì lẽ đó, trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số biện pháp sử dụng ca dao, tục ngữ và giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam sao cho đạt kết quả cao

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc đổi mới giáo dục, xem đổi mới nội dung và phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học” [4]. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành giáo dục đề ra, thời gian gần đây, chúng ta đang từng bước làm quen với những phương pháp, biện pháp giảng dạy tích cực, vận dụng quan điểm tích hợp, liên môn vào giảng dạy nhằm pháp huy tính chủ động, tích cực của người học, giúp người học hứng thú với môn học. Xuất phát từ mục tiêu đổi mới giáo dục, mỗi giảng viên sẽ vận dụng linh hoạt các kỹ thuật, phương pháp vào trong quá trình giảng dạy sao cho thật hiệu quả. Để đáp ứng được mục tiêu giáo dục đề ra, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng luôn sử dụng đa dạng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy các học phần nói chung và học phần Văn hiến Việt Nam nói riêng nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học.

Văn hiến Việt Nam là một trong những học phần đại cương, bắt buộc học đối với sinh viên trường Đại học Văn Hiến. Ở học phần này sinh viên sẽ được “cung cấp một hệ thống kiến thức về những giá trị truyền thống của dân tộc như: đạo đức, lối sống, tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật…. của người Việt Nam thông qua: Các khái niệm, nền tảng VHVN; Những vấn đề về bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống; Tín ngưỡng; Những danh nhân VN… Từ những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, sinh viên cần có thái độ hành vi như thế nào để góp phần giữ gìn, phát huy và tạo nên bản sắc đặc trưng trước ngưỡng cửa của thời đại mới ngày nay” [3]. Học phần Văn hiến Việt Nam đề cập đến những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam về văn hoá trang phục, văn hoá ẩm thực…; về đạo đức, lối sống…; về tín ngưỡng, phong tục; về những giá trị cốt lõi của nền Văn hiến Việt Nam qua các thời kỳ của lịch sử dân tộc… Đây là những nội dung quan trọng mà bất kỳ sinh viên ngành nào cũng cần phải học, cần nắm vững. Thế nhưng, học phần Văn hiến Việt Nam đến nay chưa dành được sự quan tâm đúng mức từ phía người học. Xuất phát từ nhiều lý do, một mặt sinh viên thường có tâm lý thờ ơ với những học phần đại cương, học mang tính đối phó với thi cử, mặt khác cách dạy và học môn học này chưa thật hiệu quả, việc dạy và học còn “mang tính áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc”, chưa có sự vận dụng linh hoạt vào thực tế, chưa phát huy được “nội lực” của sinh viên khiến giờ học trở nên khô khan, nhàm chán, không tạo sự hứng thú cho người học…. 

Văn hiến Việt Nam có nội dung phong phú, gắn liền với các giá trị văn hoá của người Việt. Đặc biệt, những nội dung này được ông cha ta đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ gần gũi, quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy học phần này, giáo viên có thể lồng ghép những câu ca dao, tục ngữ vào bài học hay yêu cầu các em tìm hiểu trong ca dao, tục ngữ có những câu nào đề cập đến truyền thống văn hoá người Việt, từ đó sẽ giúp các em hứng thú tìm tòi, học hỏi và cũng là cách giúp các em khắc ghi bài học một cách nhanh và hiệu quả hơn. Vì lẽ đó, trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc “Vận dụng ca dao tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam” sao cho hiệu quả.

2. Nội dung

2.1. Vai trò của ca dao, tục ngữ trong giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam

Theo Từ điển tiếng Việt (2010) của Hoàng Phê, tục ngữ là “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân” [1, tr.1361]. Còn ca dao là “thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc”[1, tr.132].

Ca dao, tục ngữ là những tác phẩm nghệ thuật truyền miệng, là sản phẩm của “quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động” về tự nhiên, xã hội, con người…và là “thành trì bảo tồn nền văn hóa dân tộc”.

Từ lâu, ca dao, tục ngữ gắn bó, gần gũi với con người Việt Nam. Ngay từ khi lọt lòng, chúng ta đã nghe những câu ca dao, tục ngữ qua lời ru của bà của mẹ. Lớn lên, ca dao, tục ngữ sẽ là những lời răn dạy chúng ta nên người. Qua ca dao, tục ngữ chúng ta sẽ biết hiểu nhiều hơn về tự nhiên, xã hội, con người Việt Nam. Đặc biệt qua ca dao, tục ngữ chúng ta sẽ thấy được phần nào về phong tục, tập quán của người Việt. Chẳng thế mà trước đây, người ta còn gọi “ca dao là phong dao bởi vì có nhiều bài ca dao đã phản ánh những phong tục, tập quán của từng địa phương, của từng thời đại lịch sử” [2] hay ca dao, tục ngữ được xem “là tấm gương bức xạ hiện thực khách quan của mỗi dân tộc với lối sống, điều kiện sống và những phong tục tập quán riêng”. Như vậy, qua cao dao, chúng ta sẽ thấy được phần nào bức tranh truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua văn hoá trang phục, văn hoá ẩm thực, văn hoá nhà ở hay thể hiện ở vấn đề về tín ngưỡng, phong tục... ở Việt Nam truyền thống. Nắm được nội dung, ý nghĩa của những câu ca dao, tục ngữ là điều kiện thuận lợi để chúng ta vận dụng vào trong thực tế và học tập. Cụ thể hơn chúng ta có thể vận dụng vào học học phần Văn hiến Việt Nam một cách hiệu quả.

Trong quá trình dạy học, việc lồng ghép những câu ca dao, tục ngữ vào bài giảng sẽ giúp người học thấy nội dung môn học gần gũi, quen thuộc với các em hơn. Người học nhận thấy những nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam không xa lạ, mà qua câu ca dao, tục ngữ người học có thể nắm được phần nào bản sắc truyền thống văn hoá Việt

Nam. Từ đó, người học thêm yêu môn học, tự hào hơn về những truyền thống văn hoá tốt đẹp của Việt Nam và cũng là điều kiện để các em quãng bá văn hoá Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế. Khi hiểu được giá trị đích thực của văn hoá Việt Nam sẽ giúp cho các em sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

2.2. Một số yêu cầu trong việc lựa chọn ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam

Việc lực chọn ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

2.2.1. Lựa chọn ca dao, tục ngữ cần phù hợp với nội dung bài học

Sử dụng ca dao, tục ngữ vào bài giảng cần khéo léo để tránh tình trạng làm theo kiểu hình thức. Ca dao, tục ngữ rất nhiều, nội dung cũng rất phong phú, đa dạng. Nhưng không phải bài nào, nội dung nào của học phần Văn hiến Việt Nam, giảng viên cũng có thể tìm được những câu ca dao, tục ngữ phù hợp để minh hoạ. Vì thế việc lựa chọn ca dao, tục ngữ vào trong giảng dạy cần phải đảm bảo yêu cầu quan trọng, cơ bản là phù hợp với nội dung bài học.

2.2.2. Sử dụng ca dao, tục ngữ vào bài giảng với số lượng vừa phải

Thời gian học trên lớp có hạn, vì vậy giảng viên nên lựa chọn những câu ca dao, tục ngữ có tính chất tiêu biểu cho nội dung bài học. Số lượng câu ca dao, tục ngữ đưa vào bài cũng nên cân nhắc cho phù hợp, không nên lạm dụng quá nhiều ca dao, tục ngữ. Việc sử dụng quá nhiều ca dao, tục ngữ sẽ làm cho người học nhàm chán và vô tình biến giờ học Văn hiến Việt Nam thành giờ Văn, thành giờ phân tích, đánh giá về văn học dân gian. Nên kết hợp việc sử dụng tục ngữ, ca dao với các trích dẫn khác, các phương pháp khác để giúp sinh viên độc lập suy nghĩ, tránh nhàm chán và giúp các em tập trung hơn vào học tập.

2.2.3. Đưa ca dao, tục ngữ vào bài học cần đúng thời điểm

Sử dụng ca dao, tục ngữ vào trong giảng dạy cần chú ý đến thời điểm thích hợp. Một trong những thời điểm phù hợp để giảng viên có thể sử dụng ca dao, tục ngữ có thể là phần khởi động, giới thiệu bài mới; hay trong hoạt động tìm hiểu, khai thác kiến thức mới, nội dung trọng tâm của bài học; cũng có thể sử dụng ca dao, tục ngữ trong hoạt động tổng kết, củng cố bài học; hay sử dụng trong hoạt động hướng dẫn sinh viên tự học…. Giảng viên có thể sử dụng tục ngữ, ca dao trong việc tạo hình huống có vấn đề góp phần làm cho kiến thức môn học trở nên gần gũi với đời sống của sinh viên, dễ chấp nhận, dễ tiếp thu. Như vậy, sử dụng ca dao tục ngữ đúng lúc, đúng thời điểm sẽ giúp cho các em hào hứng với môn học và làm cho nội dung môn học trở nên gần gũi, quen thuộc với các em hơn. Từ đó giúp các em thêm yêu thích môn học, hiểu sâu hơn những nét đẹp trong văn hoá truyền thống của Việt Nam.

2.3. Một số biện pháp sử dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam

2.3.1 Sử dụng ca dao, tục ngữ trong việc giới thiệu bài mới

Để khởi động bài học, giúp sinh viên hứng thú với bài học ngay từ đầu, tôi thường cho sinh viên chơi đố vui, trò chơi ô chữ hay sử dụng những câu ca dao, tục ngữ  lồng ghép vào phần giới thiệu bài mới. Ví dụ khi dạy bài Một số giá trị tổng hợp và liên quan (Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; lòng nhân ái thương người; Tính cần cù…), giáo viên có thể đưa ra một số câu ca dao như: 

Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức;

Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao; 

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết; 

Khi đói cùng chung một dạ, khi chết cùng chung một lòng; 

Bàn ta ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Sau đó giáo viên đặt câu hỏi với sinh viên: Những câu ca dao, tục ngữ trên nói về vấn đề gì? Sau khi sinh viên trả lời, giáo viên nhận xét chốt ý và dẫn vào nội dung bài mới - Một số giá trịnh tồng hợp và liên quan trong truyền thống văn hiến dân tộc. Hay cách khác, giáo viên sẽ dành 5 phút đầu giờ yêu cầu các em hãy kể tên 3 đến 5 câu ca dao, tục ngữ nói về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và lòng nhân ái thương người của nhân dân ta. Chắc chắn với cách đặt vấn đề này sẽ thu hút sự tham gia của cả lớp. Bằng kiến thức nền các em có về ca dao, tục ngữ, các em sẽ hào hứng phát biểu. Đó là một cách khởi động bài học rất hiệu quả. Tạo cho các em một tâm thế thoải mái, hứng khởi đón nhận bài học mới.

Hay khi dạy về bài Văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên (Văn hoá ẩm thực, trang phục, nhà ở): Giáo viên có thể yêu cầu sinh viên tìm nhanh một số câu ca dao, tục ngữ nói về vai trò của ăn, mặc và ở đối với người Việt Nam. Hoặc giáo viên có thể đọc một số câu ca dao, tục ngữ nói về vấn đề này cho sinh viên nghe trước khi vào bài mới. Sau đó, hỏi các em nhận xét về tầm quan trọng của văn hoá ẩm thực, trang phục, nhà ở đối với người Việt Nam truyền thống, sau đó giáo viên sẽ giới thiệu vào bài mới. Cách làm này sẽ giúp người học cảm thấy thoải mái, hào hứng, mặt khác giúp các em tích cực chủ động trong việc tìm kiếm thông tin. Một số câu ca dao, tục ngữ giáo viên có thể sử dụng để giới thiệu bài học này như: 

Có thực mới vực được đạo; 

Trời đánh còn tránh miếng ăn;

Được bụng no, còn lo ấm cật;

Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân;

An cư, lạc nghiệp;

Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam

Như vậy, với cách giới thiệu bài mới bằng việc giáo viên đưa ra những câu ca dao, tục ngữ hoặc cho sinh viên thi tìm nhanh các câu ca dao, tục ngữ  có nội dung liên quan bài mới sẽ giúp các em hứng thú với môn học hơn. Sinh viên vừa được kích hoạt kiến thức nền đồng thời vừa được chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, giúp các em đưcợ tư duy, được nêu lên ý kiến của mình làm giờ học trở nên sôi nổi và hiệu quả hơn. 

2.2.2. Sử dụng ca dao, tục ngữ trong việc khai thác kiến thức mới

Hoạt động khai thác kiến thức mới là nội dung trọng tâm của bài hoc. Vì vậy, trong hoạt động này giảng viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật nhằm phát huy năng lực tự học, chủ động, tích cực của người học. Giảng viên có thể sử dụng ca dao, tục ngữ trong việc khai thác kiến thức mới của các bài học chẳng hạn: khi dạy bài Cốt lõi của hệ giá trị truyền thống dưới cách nhìn hiện nay, có một phần nội dung liên quan đến Tính trọng nữ trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Khi dạy đến nội dung này, rất nhiều sinh viên sẽ không hiểu rõ về vấn đề, các em cho rằng từ xưa đến giờ em chỉ nghe nói ở Việt Nam là người ta “trọng nam khinh nữ”, có mấy ai cho rằng phụ nữ được coi trọng, được đề cao đâu. Đến đây, sinh viên sẽ hoài nghi về điều giảng viên nói. Vậy thì, trước hết giáo viên sẽ giải thích cho người học hiểu được nguồn gốc tính trọng nữ bắt nguồn từ đâu, và tư tưởng trọng nam khinh nữ là ảnh hưởng do đâu, vào thời gian nào…sau đó, giáo viên có thể lấy một số câu ca dao, tục ngữ điển hình nói về vị trí, vai trò của người phụ nữ, “tính trọng nữ” trong truyền thống Việt Nam như:

Nhất vợ nhì trời;

Lệnh ông không bằng còng bà;

Ba đồng một mớ đàn ông,

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha,

Ba trăm một mụ đàn bà,

Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi;

Một trăm con trai chẳng bằng cái dái tai con gái.

Hay bài Những gương mặt tiêu biểu về anh hùng dân tộc trong lịch sử truyền thống văn hiến Việt Nam, giáo viên có thể lồng ghép ca dao, tục ngữ vào trong quá trình giảng dạy để giờ học thêm sinh động. Trước hết, giáo viên giảng cho sinh viên nắm được những kiến thức về anh hùng, anh hùng dân tộc và 14 vị anh hùng dân tộc được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Sau khi giảng xong lý thuyết, giáo viên sẽ đưa ra những câu ca dao, tục ngữ  nói về các anh hùng dân tộc và yêu cầu sinh viên xác định xem câu ca dao, tục ngữ đó nói về những anh hùng dân tộc nào. Chẳng hạn:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm; 

Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn

Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh;

Ai về Hậu Lộc Phú Điền

Nhớ đây Bà Triệu trận điền xung phong.

Như vậy, bằng cách cho sinh viên làm việc nhóm hoặc cá nhân để tìm hiểu những câu ca dao, tục ngữ liên quan đến nội dung bài học, sau đó các em được đưa ra ý kiến, được trình bày vấn đề theo sự hiểu biết của mình sẽ giúp các em hiểu bài một cách sâu sắc hơn. Mặt khác còn giúp các em rèn luyện khả năng tư duy, tạo nên sự tự tin cho các em.

2.2.3. Sử dụng ca dao, tục ngữ trong việc củng cố bài học

Sử dụng ca dao, tục ngữ trong việc củng cố bài học cũng là một cách đem lại hiệu quả cao khi giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam. Sau khi dạy xong bài Các vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đương đại (Đời sống tôn giáo trong nước; Đời sống tín ngưỡng trong nước; Một số vấn đề về công tác quản lý tôn giáo và phát huy các giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ đời sống xã hội), giáo viên có chốt lại kiến thức bài này bằng các câu ca dao, tục ngữ như: 

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu;

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,

Cầu cho ma mẹ sống đời với con;

Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời,

Đang cơn hoạn nạn độ người trầm luân.

Bằng việc chốt kiến thức, củng cố bài bằng hệ thống các câu ca dao, tục ngữ sẽ giúp người học dễ dàng trong việc ghi nhớ nội dung bài học. 

3. Kết luận

Sử dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam là một trong những cách giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, học sinh dễ hiểu bài, nắm được nội dung và khắc ghi kiến thức lâu hơn. Việc sử dụng ca dao, tục ngữ trong giảng dạy học phần Văn hiến Việt Nam còn làm phong phú, sâu sắc hơn nội dung bài học. Đây được xem là một trong những phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp, kích thích khả năng tư duy, tìm tòi, giúp các em tự tin, chủ động trong việc tìm kiếm thông tin cũng như hào hứng khi được trình bày vấn đề trước mọi người. Bằng cách này, giờ học Văn hiến Việt Nam không còn “khô khan”, nhàm chán mà nó sẽ biến giờ học trở nên sôi nổi hơn và kiến thức về môn học không còn là xa lạ mà nó trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với các em.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Phê chủ biên (1995), Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng
  2. Trần Thị Minh Thu, 21.7.2015, Ẩn dụ về con người trong ca dao

    Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá [online], Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đọc từ http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/en/nghiencuu/ngon-ngu-hoc/5512-n-d-v-con-ngi-trong-ca-dao-vit-nam-di-goc-nhin-vnhoa.html, ngày 05.06.2020

  3. Đề cương học phần Văn hiến Việt Nam, Trường Đại học Văn Hiến
  4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đòa tạo (2013), http://www.sggp.org.vn/nghi-quyet-hoinghi-trung-uong-8-khoa-xi-ve-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao247662.html, ngày 05.06.2020