TĂNG HỨNG THÚ ĐỌC TÁC PHẨM CHO SINH VIÊN NGÀNH VĂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN TỪ VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

line
22 tháng 03 năm 2022

TĂNG HỨNG THÚ ĐỌC TÁC PHẨM CHO SINH VIÊN NGÀNH VĂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN TỪ VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY 

                                                                                                          ThS. Phạm Thị Hương 

 

TÓM TẮT

Bài viết đề cập đến thực trạng đọc tác phẩm của không ít sinh viên ngành văn trường Đại học Văn Hiến. Bên cạnh đó, người viết cũng đã điểm qua một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Cuối cùng, tác giả muốn nhấn mạnh hơn ở vai trò của giảng viên trong việc tạo hứng thú đọc tác phẩm văn học cho sinh viên ngữ văn bằng việc đổi mới trong phương pháp giảng dạy.  

                                                                  NỘI DUNG

Trong hơn mười năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sinh viên có nhiều “kênh” hơn để tiếp cận tri thức. Đặc biệt, có sự soán ngôi của văn hóa nghe nhìn trước văn hóa đọc. Điều này kéo theo hệ quả tất yếu đó là đọc sách không còn là ưu tiên số một của nhiều sinh viên trong quá trình học tập. Riêng đối với sinh viên ngành văn, đọc sách không chỉ là sự tùy hứng, đọc theo sở thích mà còn là bắt buộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng sinh viên văn học lười đọc giáo trình, tài liệu, thậm chí là lười đọc tác phẩm văn học đang khiến không ít giảng viên lo ngại. Vậy làm thế nào để sinh viên chủ động hơn trong việc đọc sách? Làm thế nào để sinh viên ý thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc đọc tác phẩm văn học? Trước câu hỏi này chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến về đổi mới trong phương pháp giảng văn trong trường đại học với hy vọng sinh viên sẽ có hứng thú hơn với việc đọc tác phẩm văn học.

  1. Từ thực trạng đọc tác phẩm của sinh viên ngành văn…

    Đối với học chế tín chỉ, sinh viên phải dành phần lớn thời gian để tự học, tự nghiên cứu. Tự học nghĩa là phải chủ động trong việc học, chủ động trong tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu… Với sinh viên ngành văn, sự chủ động trong đọc tài liệu sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Đọc tài liệu ở đây được hiểu đó là: đọc tác phẩm văn học, đọc giáo trình và tài liệu nghiên cứu,... Nghĩa là, bên cạnh những tài liệu được khuyến khích đọc, các bạn còn bắt buộc phải đọc một số đầu sách nhất định, trong đó đặc biệt là tác phẩm văn học. 

    Việc đọc tác phẩm văn học đóng vai trò quan trọng trong quá trình cảm thụ văn chương, nhận biết được những đặc điểm, đặc trưng của từng giai đoạn văn học và hiểu được phong cách, đặc điểm sáng tác của nhà văn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều sinh viên không làm được điều này. Việc đọc tác phẩm văn học đối với nhiều bạn trẻ chỉ mang tính chất đối phó cho những bài thuyết trình, làm bài tập nhóm hoặc kiểm tra. Trong quá trình giảng dạy một số môn thuộc kiến thức cơ sở ngành văn học, chúng tôi cũng đã đưa ra một số yêu cầu cho việc đọc tài liệu của các bạn sinh viên. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là sinh viên phải đọc được những tác phẩm nhất định trong chương trình học. Tuy vậy, phần lớn sinh viên không đọc theo yêu cầu, có những sinh viên đến lúc thi vẫn chưa đọc tác phẩm nào. 

    Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đọc tác phẩm chỉ mang tính đối phó với môn học. Điều này dẫn tới tình trạng hoặc sinh viên đọc tác phẩm một cách qua loa, hời hợt hoặc sinh viên chỉ đọc tóm tắt tác phẩm. Chính do vậy, sinh viên không nắm bắt sát nội dung, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, không cảm được giá trị nghệ thuật mà tác phẩm mang lại. 

    Nguồn tài liệu cũng là một vấn đề trong việc đọc tác phẩm của sinh viên ngành văn. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của tài liệu trực tuyến nên việc tra cứu thông tin, tài liệu sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, số lượt mượn và trả sách tại nhiều thư viện giảm mạnh, trong đó số lượt tải tài liệu trực tuyển về tăng nhanh theo thời gian (theo Báo Người lao động). Điều này cho thấy sinh viên thích đọc tài liệu trực tuyến hơn bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, không phải tài liệu nào cũng được số hóa. Nếu chỉ dựa vào thư viện trực tuyến thì việc đọc tác phẩm văn học với số lượng nhất định sẽ khó thực hiện được. Lúc này, nhiều sinh viên sẽ tìm đến một số website chưa được kiểm định về nội dung để đọc toàn văn hoặc đọc tóm tắt một số tác phẩm trong chương trình học. Phần nhiều những tác phẩm đăng tải trên những trang này thường không chính xác so với văn bản gốc. 

    Việc không đọc tác phẩm văn học, hoặc đọc một cách qua loa sẽ ảnh hưởng không ít tới chất lượng giờ học. Bởi lẽ để nhận định, nắm bắt được đặc điểm, xu thế, hay thành tựu nghệ thuật,… thì phải đọc văn bản. Sinh viên không đọc tác phẩm sẽ dẫn tới tình trạng lớp học rơi vào tình trạng dạy và học một chiều. Nghĩa là, giảng viên giảng, sinh viên lắng nghe, ghi chép. Không có hoặc rất ít sinh viên có câu hỏi hay có những ý kiến cho giờ học bởi lẽ không đọc tác phẩm nên việc nắm bắt được nội dung bài học là rất khó.

    Tìm hiểu nguyên nhân của thực trang này, chúng tôi thấy nổi lên những vấn đề sau:

    Thứ nhất, sinh viên thiếu sự đam mê với văn học. Ngoài những sinh viên đến với ngành văn bằng tình yêu đối với văn chương thì có một bộ phận không nhỏ đến với ngành học này bằng những cơ duyên khác. Đó có thể, vì điểm số đầu vào, vì cơ hội việc làm của ngành học hay vì một ngẫu hứng nhất thời khi chọn ngành học của một số bạn. Chính do vậy, sự đam mê đối với ngành học là chưa đủ. Vấn đề này là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu nghiêm túc của các bạn trong học tập, trong tìm đọc tác phẩm.

    Thứ hai, sự lấn át của văn hóa nghe nhìn trước văn hóa đọc trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân của tình trạng lười đọc sách ở sinh viên. Các bạn trẻ ngày nay có nhiều kênh thông tin, giải trí khác thay vì chỉ đọc sách như trước kia. Chính sự phong phú của những chương trình giải trí trên truyền hình hay trên internet đã làm cho không ít người còn đủ kiên nhẫn để tìm đọc những tác phẩm văn học dày hàng trăm trang nữa. 

    Thứ ba, giới trẻ ngày nay nói chung và sinh viên nói riêng đang có xu hướng thích những tác phẩm văn học “dễ đọc” hơn là những tác phẩm có “sức nặng” về nghệ thuật. Có lẽ do áp lực trong cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều bạn trẻ muốn tìm đọc những tác phẩm nhẹ nhàng, mang tính chất giải trí nhiều hơn. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày một nhiều những bộ phim ngôn tình được chuyển thể từ tiểu thuyết của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã tác động không nhỏ tới thị hiếu đọc của nhiều sinh viên. Không ít người, sau khi xem những bộ phim này đã có xu hướng tìm đọc những tác phẩm văn học trước khi chuyển thể như là một sự hiếu kì.

    Thứ tư, sinh viên phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi khi phải làm thêm nhiều. Vì những lí do khác nhau, nhiều sinh viên đã chọn cho mình một công việc làm thêm trong thời gian học đại học. Bên cạnh những lợi ích từ công việc như có thêm thu nhập, có thêm kinh nghiệm thì việc phải chịu những áp lực từ việc làm thêm là điều không thể tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của các bạn. 

    Thứ năm, phương pháp giảng văn truyền thống không còn thích hợp trong giảng dạy văn học ngày nay. Chính phương pháp giảng dạy một chiều thầy giảng, trò nghe và ghi chép đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự tìm tòi sáng tạo của người học. Vì vậy, lối học này chưa kích thích được sự hứng thú, chủ động của sinh viên văn học trong việc tìm đọc tác phẩm. 

    Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn tới vấn đề lười đọc tác phẩm của sinh viên như: thư viện không đáp ứng đủ nhu cầu về tài liệu cho sinh viên hay sinh viên vì quá nghiện mạng xã hội mà làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc học,…

    Như vậy, thực trạng lười đọc tác phẩm của sinh viên ngành văn trường Đại học Văn Hiến đang thực sự đáng báo động. Để vấn đề này có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ cả hai phía: thầy – trò trong quá trình dạy và học. 

  2. …đến việc đổi mới phương pháp giảng văn

    Với giảng viên, thành công trong giảng dạy được đánh giá bằng việc sau mỗi môn học sinh viên biết nắm bắt và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Đối với giáo viên văn, thành công đó còn được đo lường bằng sự đam mê của sinh viên đối với văn chương, bằng sự hứng thú của sinh viên trong việc tìm đọc tác phẩm văn học và bằng sự khao khát chiếm lĩnh những giá trị nghệ thuật trong mỗi áng văn. Để đạt được điều đó, giảng viên phải không ngừng bồi đắp kiến thức về chuyên môn và có phương pháp giảng văn linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng đối tượng người học.

    Trước yêu cầu, làm thế nào để tăng hứng thú đọc tác phẩm cho sinh viên ngành văn trường Đại học Văn Hiến, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến về phương pháp giảng dạy văn học:

    • 2.1.Không quên đưa ra những yêu cầu cho việc đọc tác phẩm

    Vào buổi đầu tiên của mỗi học phần, giáo viên sẽ đưa ra những mục tiêu, yêu cầu và giới thiệu nội dung chính của môn học. Trong buổi đầu tiên này, giảng viên nên cung cấp cho sinh viên danh mục giáo trình, tài liệu tham khảo và danh mục tác phẩm cần đọc trong chương trình. Việc làm này sẽ giúp cho sinh viên ý thức được những việc mình cần làm cho môn học. Từ đó, các em sẽ chủ động lên kế hoạch cho việc đọc tác phẩm, và nghiên cứu tài liệu. 

    Những yêu cầu cho việc đọc tác phẩm ở đây được tập trung vào hai vấn đề: Một là, yêu cầu về số lượng những tác phẩm cần đọc trong môn học. Hai là, yêu cầu về chất lượng của việc đọc. Chất lượng đọc ở đây sẽ được đánh giá dựa trên khả năng nắm bắt được cốt truyện, nhìn nhận vấn đề, cảm thụ được giá trị nghệ thuật trong tác phẩm. Những đánh giá này chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau. 

    • 2.2.Lồng ghép các trò chơi vào trong bài học

    Không thể phủ nhận rằng việc lồng ghép các trò chơi, game show vào trong bài học sẽ tạo nên những hiệu quả nhất định cho buổi học. Bởi lẽ đây là hoạt động có thể huy động được tất cả các thành viên trong lớp tham gia. Bên cạnh đó, với sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh trong game show sẽ tạo hứng thú hơn cho các em trong giờ học. Trò chơi, game show cũng là cách để sinh viên chủ động tìm đọc tác phẩm văn học. Để làm được điều này, trong các trò chơi phải có sự lồng ghép các câu hỏi về tác phẩm văn học. Câu hỏi sẽ đi từ dễ đến khó để kích thích sự tò mò, mong muốn được chinh phục kiến thức văn học của người chơi. 

    • 2.3.Sân khấu hóa tác phẩm văn học

    Sân khấu hóa tác phẩm văn chương không còn xa lạ đối với sinh viên ngành văn. Đây là phương pháp có thể giúp cho sinh viên chủ động đọc, hiểu, cảm tác phẩm một cách nhanh nhất. Trên thực tế, sinh viên rất háo hức khi được thử sức mình trong những vai trò mới: nhà biên kịch, diễn viên, đạo diễn,… Và dù ở vị trí, nhiệm vụ nào các em cũng phải đọc, nghiên cứu thật kỹ tác phẩm văn học, phải cảm nhận tác phẩm bằng những rung cảm nghệ sĩ trong mỗi con người. 

    • 2.4.Kiểm tra, đánh giá khả năng đọc

Kiểm tra, đánh giá là công đoạn cuối cùng không thể thiếu cho việc đọc tác phẩm văn học của sinh viên. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của các em trong quá trình học, đọc tác phẩm. Kiểm tra, đánh giá ở đây được xây dựng theo nhiều chặng với nhiều thang điểm khác nhau cho từng cá nhân hay nhóm học tập. Đó có thể là những kiểm tra ngắn với những yêu cầu đơn giản như tóm tắt tác phẩm hoặc những bài viết với thời gian dài hơn cho những nhận định cá nhân về tác phẩm. Đó có thể là sự đánh giá về khả năng đọc tác phẩm qua các trò chơi, game show; hay sự chủ động chiếm lĩnh kiến thức, sự thấu cảm với nhân vật trong sân khấu hóa tác phẩm. Bên cạnh đó, giảng viên nên dành cho sinh viên những điểm thưởng để tạo động lực học tập cho các em. 

Công bằng, công khai là những yếu tố quan trọng trong quá trình kiểm tra đánh giá. Giảng viên cần phải thông báo rõ ràng những đánh giá bằng điểm cho khả năng đọc tác phẩm của sinh viên từ những buổi học đầu tiên. Mặt khác, không đồng nhất đánh giá của những thành viên trong nhóm cũng là sự ghi nhận nỗ lực của từng cá nhân trong tập thể.

           Kết luận

Trước sự phát triển mạnh mẽ của những game show giải trí trên truyền hình hay sự phủ sóng ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, giới trẻ ngày nay ít tìm đến sách hơn. Tuy vậy, đã là sinh viên ngành văn thì không thể không đọc sách, càng không thể không đọc tác phẩm văn học. Để hoạt động đọc diễn ra một cách chủ động và hứng thú hơn đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía người dạy và người học. Theo đó, giảng viên phải là người nhiệt tình, cầu tiến trong học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đổi mới trong phương pháp giảng dạy. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Duyên Vũ (07/04/2019). Cảm nhận văn chương từ nghệ thuật sân khấu [trực tuyến]. Giáo dục và thời đại. Đọc từ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/camnhan-van-chuong-tu-nghe-thuat-san-khau-3993268-b.html, ngày truy cập 01/08/2019.
  2. Lê Thoa, Như Huỳnh (06/04/2016). Sinh viên lười đọc sách [trực tuyến]. Người lao động. Đọc từ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sinh-vien-luoi-docsach-20160406220721154.htm, ngày truy cập 01/08/2019.