YẾU TỐ TÂM LINH TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH YẾU TỐ TÂM LINH TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

line
22 tháng 03 năm 2022

YẾU TỐ TÂM LINH TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

                                                                                          Phạm Thị Hương

Tóm tắt: Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh được coi là cuốn tiểu thuyết về văn hóa, phong tục Việt Nam. Trong tác phẩm, bức tranh đa sắc về văn hóa, phong tục của người dân Việt những năm đầu thế kỉ XX với những yếu tố tâm linh như: tín ngưỡng thờ Mẫu, tục thờ cúng bách thần, lễ hội dân gian,… được khắc họa rõ nét. Điều này đã góp phần gợi mở cho người đọc nhiều cách hiểu về văn hóa, tôn giáo của người Việt.

Từ khóa: tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian, văn hóa phong tục.

 

MỞ ĐẦU

Trong một tọa đàm về tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh đã từng phát biểu: “Cuốn tiểu thuyết hay phải là sự kết tinh văn hóa, nó phải bắt rễ vào tầng sâu thẳm của tâm hồn dân tộc, nó phải nói lên được cái khát khao ẩn ngầm, vô thức của cộng đồng đã đẻ ra ta” (Nguyễn Văn Long và Lê Thị Thủy, 2012). Có thể nói rằng trong nền văn học đương đại hiếm có nhà văn nào lại có những tác phẩm khai thác về văn hóa trên bề rộng và sâu như những sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh. Các tác phẩm của ông cho dù viết về giai đoạn nào của lịch sử dân tộc cũng đều thể hiện một sự am tường về văn hóa dân tộc, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử.

           Với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh dành khá nhiều công sức để viết về yếu tố tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Ông vừa đóng vai là một nhà sưu tầm và khảo cứu folklore vừa là nhà nghiên cứu về tôn giáo. Do vậy tác phẩm không những đậm đặc yếu tố tâm linh mà còn gợi mở nhiều cách hiểu về văn hóa, về tôn giáo. 

NỘI DUNG

Yếu tố tâm linh thể hiện khá rõ trong các tín ngưỡng dân gian của người dân Việt. Trong quan niệm của Nguyễn Xuân Khánh đây được coi là hạt nhân của không gian văn hóa làng, và Mẫu Thượng ngàn là sự nỗ lực dựng lại không gian tinh thần đó của người Việt. Không khó khăn để tìm ra những tín ngưỡng dân gian trong tác phẩm hay nói cách khác tác phẩm giống như từ điển văn hóa dân gian được tác giả Nguyễn Xuân Khánh sưu tầm, khảo cứu. Sự xuất hiện dày đặc các tín ngưỡng vật linh, tục thờ cúng bách thần, tín ngưỡng phồn thực, lễ hội dân gian,… cùng với việc sử dụng nhiều yếu tố kỳ ảo, tác giả đã dựng lại được đời sống tâm linh, phong tục của người dân Việt những năm đầu thế kỷ XX.

1. Tục thờ cúng bách thần

                1.1.    Tục thờ thần cây

Tập tục thờ thần cây đã có từ rất lâu trong đời sống người Việt. Đến ngày nay, hình ảnh cây đa với bàn thờ cùng với dăm trăm vàng hoa ngũ sắc vẫn còn xuất hiện khá nhiều ở làng quê Việt. Trong tâm thức văn hóa của người Việt, cây đa được coi là linh hồn của làng, do vậy với cùng với việc thờ thần cây, thì càng có nhiều câu chuyện ly kỳ càng tạo nên tính thiêng cho cây đó. Với làng Cổ Đình trong Mẫu thượng ngàn, xung quanh cây đa là hàng loạt yếu tố kỳ ảo, những câu chuyện hoang đường được thêu dệt nên bởi nhân vật Điều và những người dân nơi đây. Đó phần nào là đức tin vào tính thiêng, vào sức mạnh vô biên có thể bảo vệ dân làng của vị “đại thụ linh thần”.

Cây đa không những là đặc điểm để nhận diện làng, để xác định vị trí mà còn là niềm kiêu hãnh của người dân nơi đây: “Một cây đa cổ thụ trứ danh, gốc to chục người ôm không xuể. Nó là niềm kiêu hãnh của Cổ Đình. Một cây đa vừa hùng vĩ, vừa đẹp, người trong vùng ai cũng biết… Người ta bảo chắc cây đa phải đến trên ba trăm năm tuổi. Tán của nó phải che kín mẫu đất. Cây đa cao to sừng sững, đứng ở tít xa đã trông thấy ngọn của nó vươn lên khỏi lũy tre làng” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.220). Cây đa không chỉ được nhắc tới vì sự hùng vĩ mà còn vì tính thiêng của nó: “Bốn cái rễ phụ ở bốn phía đâm xuống đất lâu ngày dần lớn lên thành bốn thân cây nhỏ khác… Các cụ bảo đó là bốn quân hầu, tứ trụ triều đình, phò tá thần cây” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.220). “Đại thụ linh thần” ấy được người dân làng Cổ Đình kính cẩn lập bàn thờ để mong được “ngài che chở” cho cuộc sống yên bình. 

                1.2.    Tục thờ thần cẩu

Cùng với tục thờ thần cây, thờ thần cẩu cùng là tục thờ lâu đời của người Việt. Người ta thờ chó đá với mục đích giữ của, trừ tà. Làng Cổ Đình cũng có một ông Thần Cẩu được tạc “bằng đá xanh nhẵn bóng”, “đục khá công phu, thành hình con chó hẳn hoi… Ông Thần Cẩu cao ngang thắt lưng người, đặt bên cạnh bàn thờ gốc đa” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.223). Tín ngưỡng dân gian lâu đời được tác giả Nguyễn Xuân Khánh dẫn dắt một cách tự nhiên cùng câu chuyện li kì về sự linh thiêng của ông Thần Cẩu đã cho thấy đức tin của những người dân làng Cổ Đình vào một vị thần bảo vệ, trừ tà cho dân làng. 

2. Lễ hội

Trong Mẫu Thượng ngàn tác giả dành một sự quan tâm đặc biệt tới hội Kẻ Đình. Đây là lễ hội thu hút được sự tham gia của tất cả người dân Cổ Đình, từ già tới trẻ, từ các bậc tiên chỉ đến những người nông dân trong làng. Tất cả đều tham gia vào hội Kẻ Đình một cách nhiệt thành ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Có thể nói Nguyễn Xuân Khánh đã dựng lại một cách chi tiết, sinh động những sinh hoạt văn hóa qua lễ hội Kẻ Đình. Từ phần “Lễ” trịnh trọng, tôn nghiêm đến phần “Hội” “vui nổ trời dậy đất” đều được tác giả miêu tả một cách tỉ mỉ. Tuy nhiên, tâm điểm của lễ hội là “sức ám thị của tín ngưỡng phồn thực” được gắn liền với tích ông Đùng bà Đà. Đây là tín ngưỡng lâu đời của người Việt với ông Đùng bà Đà là nhân vật huyền thoại được gắn liền với sự sáng tạo vũ trụ của người tiền Việt – Mường. Tuy nhiên, với Mẫu Thượng ngàn, huyền thoại về ông Đùng bà Đà được kể lại qua nhiều nhân vật khác nhau. Theo đó, hai nhân vật huyền thoại mang một hình hài mới, không đóng vai trò là người sáng tạo ra vũ trụ nữa mà được kéo lại gần đời hơn khi có sự pha trộn giữa huyền thoại và giải thiêng huyền thoại. Trong ký ức của người dân làng Cổ Đình, ông Đùng bà Đà là hai anh em ruột. Hình dáng bên ngoài của họ to lớn khác thường nên không thể lấy ai trong vùng. Sau đó họ được giao ước: “hai anh em đến trước cửa đền Mẫu, ở chân núi, quay lưng lại mà đi… Anh Đùng, trên đường đi hễ gặp người đàn bà nào đầu tiên thì phải lấy làm vợ. Cô Đà cũng thế, hễ gặp người đàn ông nào đầu tiên thì phải lấy người đó làm chồng” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.654). Sau nửa ngày, khi đi hết một vòng quanh núi, hai anh em gặp nhau và họ lấy nhau. Câu chuyện trái với lẽ thường nên cả ông Đùng và bà Đà đều bị đuổi ra khỏi làng. Câu chuyện về hai con người khổng lồ được tác giả xâu chuỗi lại qua lời kể của các nhân vật trong tác phẩm không hề có sự đứt đoạn, mâu thuẫn, ngược lại đó là câu chuyện hoàn chỉnh, thống nhất về huyền thoại ông Đùng bà Đà.

Hội ông Đùng bà Đà thể hiện tín ngưỡng phồn thực rõ nét với việc tái hiện chi tiết hai hình nhân sau khi đi hai hướng lại quay về gặp nhau cùng với sự đối đáp của hai bên nam nữ điều khiển: “Cái nạo thế sừ là cái sự thế nào; Cái nạy thế sừ là cái sự thế này” [40; tr.729]. Kết thúc hội là chi tiết hai hình nhân ôm nhau và bị dân làng thiêu cháy. 

Hội khép lại với tục “trải ổ” của người dân làng Cổ Đình. Đây là “tục lệ cho phép trai gái yêu nhau, dù chưa cưới xin, được phép tạo một chiếc giường tình, được phép tạo một chiếc ổ thơm tho, êm ái cho cuộc yêu đương của mình, trong một hang đá hoặc dưới một vòm cây nào đó ở trong rừng, cạnh núi Đùng” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.725). Đây là khoảng thời gian mong đợi của trai gái làng Cổ Đình. Bởi lẽ đó thời điểm họ được tự do vượt khỏi mọi cấm kỵ, tự do yêu đương. Tập tục mang đậm tín ngưỡng phồn thực này còn là khát khao của trai gái làng được trải nghiệm đời sống tính giao mà nhân vật huyền thoại đã vẽ ra.  

3. Tín ngưỡng thờ Mẫu

Nguyễn Xuân Khánh đặc biệt chú trọng  tôn giáo như một thành tố của văn hóa trong bộ ba tiểu thuyết của mình. Nhiều tôn giáo được đề cập đến trong các sáng tác của ông: đạo

Nho, đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên chúa, đạo Mẫu… và với mỗi một tôn giáo ông đều gợi mở một cách hiểu mới, một hướng tiếp cận mới. 

So với những tôn giáo khác, thờ Mẫu là một tín ngưỡng thuần Việt nhất. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ rất lâu đời và phần nào bị mai một trong xã hội hiện đại. Lựa chọn đạo Mẫu làm cảm hứng sáng tạo cho tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã có nhiều kiến giải riêng về văn hóa Việt, con người Việt. 

Mẫu Thượng ngàn lấy bối cảnh lịch sử những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những biến động về lịch sử đã tác động mạnh mẽ lên đời sống văn hóa của người dân Việt, cụ thể là người dân Bắc Bộ. Trong bối cảnh đó, “đạo Phật suy tàn, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa đang lan rộng, người dân quê trở về với đạo Mẫu – một tôn giáo có từ ngàn đời” (Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Phụ nữ). Trong tác phẩm, Nguyễn Xuân Khánh đã dựng lên sự quyền uy của đạo Mẫu bằng những miêu tả chi tiết về ngôi đền thờ Mẫu và bằng chính đức tin, sự thành kính của nhiều người. “Ngôi đền Mẫu hiện ra uy nghi, ngói phủ rêu phong, nằm chính giữa đỉnh núi, giữa những cây giẻ” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.418), “Trên bàn thờ hậu cung cao chót vót là tượng Thánh Mẫu sơn son thiếp vàng phủ khăn đỏ…” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.419), “Rực rỡ và uy nghi nhất là hai chiếc dầm vượt trên cao… chúng bóng lộn chứng tỏ thường xuyên được lau chùi. Sở dĩ như thế, vì nằm trên hai cây gỗ dài ấy, có hai con rắn trắng bằng vải, to như cổ tay mào đỏ, uốn khúc như hai con rồng bám vào gỗ” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.420) và “có sông có núi có cỏ cây hoa lá, lại thêm cái hồn của con người thành kính tỏa vào đó, các ngôi đền trở thành nơi dung chứa những khát vọng và nỗi niềm của mọi người dân quê nghèo khổ, những nơi ấy tất trở thành chốn linh địa” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.421). Không những thế, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh còn tăng sự cao quý cho đạo Mẫu bằng cách để nhiều nhân vật với xuất thân, văn hóa khác nhau nói về Mẫu bằng tất cả lòng thành kính và sự ngưỡng vọng. Nhân vật bà Tổ Cô cho rằng: “Đạo nào cũng thế cả thôi. Đạo Giê su cũng như đạo Mẫu. Tất cả đều chỉ là khuyến thiện”, với cụ đồ Tiết - một nhà Nho thì “Mẫu cho ta tất cả” và trong con mắt của Pierre - một nhà chinh phục cho rằng “đó là đạo thờ khí thiêng của thiên nhiên, thờ người mẹ đã sinh ra thế gian này. Thờ như vậy tức là thờ những điều cao quý nhất”.

Với Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện một cách khá sinh động sắc thái văn hóa tâm linh của người Việt. Ông đã dành nhiều tâm huyết để miêu tả chi tiết về cảnh hầu Mẫu với sự thăng hoa của cô đồng Mùi cùng với tiếng đàn và lời hát chầu văn đầy mê hoặc của cha con Nhụ. “Bà Mùi chợt nhìn thấy trong tâm tưởng mình một điểm hồng. Chẳng biết cái điểm sáng nhỏ bé ấy từ đâu hiện ra… Điểm sáng trong tâm từ một chấm nhỏ, dần dần triển nở, rồi chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn bà, con người bà. Người ta bảo đó là cơ vi máy động. Bà Mùi lập tức bám lấy. Cửa huyền vi đã mở. Bà tung khăn phủ diện. Lúc này bà ở trạng thái hoàn toàn ngất ngây, hoàn toàn siêu thoát. Thánh đã nhập đồng” (Nguyễn Xuân Khánh, 2006: tr.706). Sự  nhập đồng của cô Mùi trong những giá đồng: giá Mẫu, giá quan lớn tuần Chanh, giá Bà Chúa Thác Bờ với tiếng đàn huyền hoặc của ông

Trịnh Huyền và giọng ca trong trẻo của Nhụ đã cuốn con người vào cõi mơ, thoát khỏi những bụi bặm trần thế. 

Để tăng tính thiêng cho đạo Mẫu, Nguyễn Xuân Khánh đã đưa vào tác phẩm những chi tiết vừa hư vừa thực. Chi tiết Julien bị “ngựa ngài” đuổi sau khi có những hành động xúc phạm tới Mẫu càng tăng thêm sắc màu huyền bí cho tín ngưỡng này. Đây chính là một trong những nguyên nhân thu hút, hấp dẫn đám đông của đạo Mẫu.

Với Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đã gửi một niềm tin mãnh liệt, khát vọng hướng thượng vào đạo Mẫu - đạo của những người nghèo khổ (theo cách nói của nhà văn).

KẾT LUẬN

Trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, yếu tố văn hóa như mạch ngầm lan tỏa suốt chiều dài và chiều sâu tác phẩm. Trong các tác phẩm của mình Nguyễn Xuân Khánh đặc biệt đề cao đến vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói đây là vấn đề then chốt trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Mẫu Thượng ngàn là bức tranh đa sắc về văn hóa phong tục Việt được tác giả vẽ nên bằng sự am hiểu sâu rộng về nền văn hóa dân tộc. Văn hóa trong tác phẩm của ông không chỉ thể hiện ở các tín ngưỡng, phong tục, tập quán, qua hệ thống tôn giáo mà còn thể hiện trong chính tính cách, lối sống của người dân Việt.

Sự khai thác yếu tố văn hóa qua nhiều chiều, nhiều khía cạnh đã đem lại cho những sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh một sức hấp dẫn riêng. Sẽ không phải nói quá khi gọi ông là nhà tiểu thuyết lịch sử và văn hóa, phong tục. Trong nền văn học đương đại, không ít tác phẩm viết về lịch sử, cũng không ít tiểu thuyết hướng tới đề tài văn hóa, tuy nhiên để tác phẩm là sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa một cách hài hòa như Nguyễn Xuân Khánh đã làm không phải là nhiều. Tiểu thuyết của ông do vậy có một vị trí xứng đáng trên văn đàn và trong lòng độc giả, và ông là một trong những đại diện tiêu biểu của nền tiểu thuyết

Việt Nam đương đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trần Thị An (2009), “Tìm hiểu về sự hình thành truyền thuyết tứ vị thánh nương”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, (2).

Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên) (2012), Lịch sử và văn hóa - Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ Nữ, Hà Nội.

Ánh Hồng (2004), Tín ngưỡng, phong tục những kiêng kị dân gian Việt Nam, NXB Thanh Hóa.

Nguyễn Xuân Khánh (2009), Mẫu Thượng ngàn, NXB Phụ nữ, Hà Nội.

Đặng Văn Lung (2004), Văn hóa Thánh Mẫu, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. Nguyễn Thị Nguyệt (2010), “Kiểu truyện về Thánh Mẫu và truyền thống trọng Mẫu trong văn hóa dân gian Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, (6).